Trịnh Thu Vinh là VĐV Việt Nam duy nhất vào chung kết tại Paris 2024, cũng là xạ thủ thứ hai vào chung kết hai nội dung, kể từ sau Hoàng Xuân Vinh tại Rio 2016 với HC vàng 10m và HC bạc 50m súng ngắn hơi nam.
Cô gái sinh năm 2000 lần lượt đứng thứ tư 10m súng ngắn hơi nữ và thứ bảy 25m súng ngắn thể thao nữ.
Trịnh Thu Vinh có sở trường ở 10m súng ngắn hơi. Ở nội dung còn lại 25m súng ngắn thể thao, cô vượt giới hạn khi đạt 587 điểm – cao nhất sự nghiệp, ở vòng loại. Xạ thủ 24 tuổi hy vọng sẽ giữ được phong độ để có thể tiếp tục góp mặt và thi đấu tốt hơn tại Los Angeles 2028.
Màn trình diễn của Thu Vinh là điểm sáng hiếm hoi của thể thao Việt Nam tại Paris. Trong khi đó, các VĐV khác không vượt qua chính mình, hoặc gặp đối thủ quá mạnh dẫn đến Việt Nam có kỳ Olympic thứ hai liên tiếp trắng tay.
Cũng ở bắn súng, Lê Thị Mộng Tuyền dừng bước ở vòng loại ở 10m súng trường hơi nữ, khi đứng thứ 40 trong 43 VĐV.
Tại bắn cung, Đỗ Thị Ánh Nguyệt đứng thứ 37 vòng phân nhánh đơn nữ, tốt hơn vị trí 49 kỳ trước. Nhưng ở vòng loại trực tiếp 1/32, Nguyệt lặp lại thất bại ở Tokyo 2020, khi thua đáng tiếc đối thủ Mobina Fallah (Iran) với mũi tên luân lưu, sau khi hoà 5-5 ở năm set.
Cung thủ Lê Quốc Phong đứng thứ 47 vòng phân nhánh đơn nam, thành tích tốt hơn vị trí 53 của Nguyễn Hoàng Phi Vũ kỳ trước. Nhưng anh cũng không gây được bất ngờ ở vòng 1/32, khi thua Dan Olaru (Moldova) 0-6.
Bơi và điền kinh là hai môn được quan tâm nhất Thế vận hội. Việt Nam có ba VĐV, trong đó Nguyễn Huy Hoàng có lần thứ hai dự Olympic. Tuy nhiên, kình ngư Quảng Bình lại gây thất vọng ở bơi 800m và 1.500m tự do, với thông số thấp nhất trong sự nghiệp.
Anh cán đích 800m với 8 phút 8 giây 39, để đứng thứ 28 trong 31 VĐV ở vòng loại. Thời gian này kém 18 giây 95 so với thông số giúp anh đạt chuẩn A Olympic. Ở kỳ trước, Hoàng bơi đạt 7 phút 54 giây 16 và đứng thứ 20.
Đến nội dung 1.500m tự do, Hoàng đứng thứ 21 trong 27 VĐV, với thành tích 15 phút 18 giây 63, nhiều hơn 14 giây 57 khi đạt chuẩn B Olympic. Tại Tokyo 2020, Hoàng thậm chí về đích ở 15 phút 0 giây 24, để đứng thứ 12 vòng loại, kém bốn bậc so với top 8 vào chung kết.
Trái ngược với Hoàng, hai cái tên còn lại đều là VĐV đến Paris 2024 theo suất đặc cách. Kình ngư Võ Thị Mỹ Tiên đứng thứ 27 trong 34 VĐV, với 2 phút 17 giây 18, tại 200m hỗn hợp nữ. Chân chạy Trần Thị Nhi Yến có trải nghiệm đáng nhớ khi đứng đầu vòng sơ loại thứ hai 100m nữ, với 11 giây 81. Cô tiếp tục chạy nhanh hơn 2% giây để đứng thứ bảy vòng loại thứ nhất, trong đó được thi đấu với siêu sao Mỹ Sha’Carri Richardson – HC bạc kỳ này.
Ở môn cầu lông, Nguyễn Thuỳ Linh và Lê Đức Phát không vượt qua vòng bảng, dù cùng ra quân thắng lợi. Đức Phát thắng 21-10, 21-10 Fabian Roth (Đức), sau đó đáng tiếc bị Sunil Prannoy (Ấn Độ) ngược dòng thắng 16-21, 21-11 và 21-12. Trong khi đó, Thuỳ Linh thắng dễ Tiffany Ho (Australia) 21-6, 21-3, rồi cũng thua sít sao Zhang Beiwen 20-22, 20-22.
Tại các môn võ judo và boxing, Hoàng Thị Tình thua võ sĩ Tunisia Oumaima Bedioui 0-1 ở vòng một judo hạng dưới 48kg nữ. Võ Thị Kim Ánh cũng dừng bước ở vòng một boxing hạng dưới 54kg, khi thua Preeti Pawar của Ấn Độ 0-5. Hà Thị Linh có một trận thắng trước Feofaaki Epenisa của Tonga, trước khi thua hạt giống số một người Trung Quốc Yang Wenlu 0-5, ở boxing hạng dưới 60kg nữ. Yang sau đó cũng giành HC vàng.
Cua-rơ Nguyễn Thị Thật đứng thứ 73 trong 93 VĐV đua xe đạp đường trường, với thành tích 4 giờ 10 phút 47 giây. Thật thất thế hơn các đối thủ khi không mạnh về các đoạn leo dốc, đồng thời thiếu đồng đội để chạy bài cũng như đội ngũ hỗ trợ trên đường.
Trong hai môn đua thuyền, tay chèo 34 tuổi Phạm Thị Huệ xếp thứ 23 trong 32 VĐV nội dung rowing thuyền đơn nữ hạng nặng. Tay chèo 21 tuổi Nguyễn Thị Hương đạt thông số tốt ở các giải đấu lớn là 49 giây 9, nhưng không đủ để vượt qua tứ kết.
Một trong những niềm hy vọng huy chương của Việt Nam là Trịnh Văn Vinh cũng không thi đấu tốt, tại cử tạ hạng 61kg nam. Đô cử sinh năm 1995 thất bại ở ba lần cử giật 128kg, qua đó sớm dừng bước, không được thi cử đẩy và xếp hạng.
Đây là kỳ Olympic thứ ba kể từ năm 2000 mà Đoàn thể thao Việt Nam không giành được huy chương, sau Tokyo 2020 có 18 VĐV và Athens 2004 có 11 VĐV.
Tại Sydney 2000, Việt Nam có bảy VĐV và giành một HC bạc taekwondo hạng 57kg nữ của Trần Hiếu Ngân. Đến Bắc Kinh 2008, lực sĩ Hoàng Anh Tuấn giành HC bạc cử tạ hạng 56kg nam. Cũng tại nội dung này bốn năm sau, Trần Lê Quốc Toàn giành HC đồng. Thành công nhất là Rio 2016 khi Việt Nam có số lượng đông nhất – 23 VĐV, trong đó Hoàng Xuân Vinh giành một HC vàng và một HC bạc.
Olympic 2024 gồm 206 đoàn thể thao. Tính đến ngày 8/8, 80 đoàn đã giành huy chương, trong đó 55 đoàn có HC vàng.
Ở Đông Nam Á, bốn đoàn có huy chương. Philippines đang dẫn đầu khi đứng thứ 24, sau hai HC vàng thể dục dụng cụ và hai HC đồng boxing. Thái Lan đứng thứ 31, với một HC vàng taekwondo, hai HC bạc cầu lông và cử tạ, hai HC đồng boxing và cử tạ. Indonesia đứng thứ 46 với một HC vàng leo núi thể thao và một HC đồng cầu lông. Malaysia đứng thứ 71 nhờ hai HC đồng cầu lông.
Hiếu Lương