Hơn 100 nhà ngoại giao Nga được cho là gián điệp đang bị trục xuất khỏi 23 nước, điều Thủ tướng Anh Theresa May gọi là "vụ trục xuất đồng thời lượng nhân viên tình báo Nga lớn nhất lịch sử". Những người Nga bị trục xuất khỏi 16 nước thành viên Liên minh châu Âu (EU), các nước Ukraine, Na Uy, Macedonia, Albania, Mỹ và Canada.
Đức, Pháp, Ba Lan đề nghị 4 quan chức ngoại giao Nga ở mỗi nước rời đi. Hà Lan và Đan Mạch, mỗi nước trục xuất hai người. Italy trục xuất hai nhà ngoại giao Nga, trong khi Litva tuyên bố trục xuất ba người. Cộng hoà Czech cũng sẽ trục xuất số lượng tương tự. Trong khi đó, Latvia trục xuất một nhà ngoại giao Nga và một nhân viên tập đoàn Aeroflot. Estonia xác nhận trục xuất một tham tán quân sự tại đại sứ quán Nga.
Trong khi đó, Áo, một nước thành viên EU, cho biết sẽ không có bất cứ biện pháp nào ở cấp quốc gia, không trục xuất nhà ngoại giao Nga. Áo tuyên bố là nước trung lập, muốn duy trì các kênh đối thoại với Nga.
Mỹ trục xuất 60 nhà ngoại giao Nga, bao gồm 48 người tại đại sứ quán và 12 người thuộc phái đoàn Nga tại Liên Hợp Quốc, đồng thời ra lệnh đóng cửa lãnh sự quán Nga tại thành phố Seattle. Đến tối qua, Australia là nước mới nhất ủng hộ Anh khi tuyên bố trục xuất hai nhà ngoại giao Nga.
Các nước phương Tây cho rằng Nga đứng sau vụ đầu độc cựu gián điệp hai mang Sergei Skripal và con gái Yulia tại Salisbury, Anh hôm 4/3. Skripal từng phục vụ trong Cơ quan tình báo quân đội Nga (GRU). Ông bị bắt năm 2004 và lĩnh án 13 năm tù năm 2006 vì tội hoạt động gián điệp cho Anh, sau đó được thả tự do trong một cuộc trao đổi điệp viên. Skripal chuyển tới Anh tị nạn và sống âm thầm cho tới khi bị đầu độc. Hiện hai cha con vẫn trong tình trạng hôn mê.
Nga đã bác bỏ bất cứ vai trò nào trong vụ đầu độc và đề nghị hợp tác toàn diện để điều tra. Bộ Ngoại giao Nga ngày 26/3 "phản đối quyết liệt" các lệnh trục xuất của phương Tây, cho hay sẽ đáp trả "hành động thiếu thân thiện". Nga trước đó trục xuất 23 nhà ngoại giao Anh để phản ứng động thái tương tự từ phía Anh.
Trọng Giáp