Thông tin được ông Vũ Cao Cương, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội, cho biết tại Ngày hội Y tế cơ sở phòng chống bệnh không lây nhiễm-Đái tháo đường, tăng huyết áp, hôm 11/11, nhằm hưởng ứng Ngày Thế giới phòng chống bệnh đái tháo đường năm 2023. Tại đây, các y bác sĩ Bệnh viện đa khoa Xanh Pôn và Bệnh viện đa khoa huyện Ba Vì đã tư vấn, khám sàng lọc đái tháo đường, tăng huyết áp, siêu âm tổng quát... và cấp thuốc miễn phí cho khoảng 3.000 người dân trên địa bàn huyện trong độ tuổi từ 40 trở lên. Dịp này, Bệnh viện Đa khoa Ba Vì cũng khai trương Đơn nguyên cấp cứu, Đơn nguyên sơ sinh với tổng số 23 giường bệnh. Đây là mô hình "Bệnh viện chị - em" giữa bệnh viện Xanh Pôn và Ba Vì, nhằm đào tạo chuyên môn, hội chẩn từ xa, mở phòng khám chuyên gia..., người bệnh không phải chuyển lên tuyến trên.
Tiền đái tháo đường là tình trạng cơ thể có nồng độ đường trong máu cao hơn bình thường nhưng chưa đủ cao để chẩn đoán là bệnh. Chỉ số đường huyết người bị tiền đái tháo đường được xác định ở mức 100-125 mg/dL so với mức 126 mg/dL ở người mắc tiểu đường.
Tại Việt Nam, 7,3% dân số mắc căn bệnh này, tức khoảng 7 triệu người. Còn tỷ lệ tiền đái tháo đường là 17,8%. Cộng đồng có hơn 50% bệnh nhân đái tháo đường chưa được chẩn đoán, bệnh xuất hiện ngày càng nhiều ở lớp trẻ khi tỷ lệ thừa cân, béo phì tăng nhanh.
Riêng Hà Nội, năm 1990, tỷ lệ bệnh đái tháo đường chỉ 1,1%. Hiện, kết quả điều tra về đái tháo đường của người dân từ 18 đến 69 tuổi mới nhất cho thấy tỷ lệ tiền đái tháo đường 16%; tăng đường huyết l%10,2%; tăng huyết áp 30,8%, tỷ lệ thừa cân, béo phì tăng 19,2%.
"Con số này cho thấy sự bùng nổ của bệnh đái tháo đường, trở thành gánh nặng về chăm sóc y tế, làm tổn hại đến thành tựu phát triển kinh tế xã hội của mọi quốc gia", ông Cương nói, thêm rằng đái tháo đường type 2 có thể phòng ngừa được bằng cách duy trì cân nặng lý tưởng và tăng cường hoạt động thể lực.
Bệnh có thể hồi phục thông qua điều chỉnh lối sống dựa trên chế độ ăn uống lành mạnh và tăng mức độ hoạt động thể chất. Người mắc tiền đái tháo đường vẫn có cơ hội làm chậm quá trình diễn tiến thành bệnh, thậm chí quay trở lại mức đường huyết bình thường. Vì vậy, việc chẩn đoán và điều trị ngay từ giai đoạn sớm rất quan trọng.
Nhóm nên đi tầm soát tiền đái tháo đường là người trên 45 tuổi, phụ nữ đã được chẩn đoán đái tháo đường thai kỳ và người thừa cân, béo phì. Mọi người cũng cần can thiệp lối sống bao gồm hoạt động thể lực 150 phút một tuần, giảm cân và duy trì cân nặng phù hợp, ăn nhiều rau xanh, trái cây, ít chất béo, ngưng hút thuốc lá. Nếu vẫn không kiểm soát được đường huyết với các biện pháp thay đổi lối sống trong vòng 3-6 tháng, có thể cần điều trị bằng thuốc.
Lê Nga