Cô bé Tiêu Doanh sống tại ngôi làng nhỏ ở thành phố Ngạc Châu, tỉnh Hồ Bắc, bị khuyết tật bẩm sinh không thể đứng thẳng, đi thẳng. Khi 2 tuổi, Doanh lại bị bệnh nặng khiến miệng méo, khó nói chuyện, răng không thể nhai, phải dựa vào lưỡi đưa thức ăn lỏng vào cổ họng. Để chữa bệnh cho cô bé, gia đình chạy khắp nơi tìm bác sĩ và thử đủ phương thuốc dân gian.
Năm 8 tuổi, Doanh mới bắt đầu tập đi và phải mất hai năm mới bỏ được nạng, nhưng cũng chỉ có thể đi khập khiễng. Từ đó, bố mẹ giao cho em trai chăm sóc Doanh để ra ngoài làm việc.
Ngày 14/3/2004, em trai chạy ra hồ bắt cá cùng các bạn, không để ý đến Doanh. Gia đình tìm kiếm và tối hôm đó cô bé 10 tuổi được phát hiện nằm úp mặt trong hố chất thải cạnh chuồng lợn, tử vong từ lâu.
Xung quanh hố mọc đầy cỏ dại, cành cây khô chất đống, chỉ có một đường mòn gồ ghề dẫn đến, bình thường hiếm người qua lại. Cho rằng con gái không thể đến đây chơi rồi trượt chân ngã xuống, bố mẹ Doanh báo cảnh sát.
Cảnh sát xác định Doanh chết do đuối nước. Cô bé bị xâm hại tình dục, đầu và mặt bầm tím do bị đánh rất mạnh... Thời điểm tử vong vào khoảng 16h ngày 14/3, lúc này phần lớn dân làng đang làm việc ngoài đồng.
Thôn này nằm ở vùng hẻo lánh, dân số chỉ hơn 200 người với vài chục hộ gia đình, ngày thường rất ít người lạ ra vào, nếu có cũng sẽ nhanh chóng bị nhận ra, vì vậy cảnh sát suy đoán thủ phạm là người trong làng. Sau khi điều tra sơ bộ tất cả nam giới, cảnh sát xác định tổng cộng 100 nghi phạm, sau đó rồi sàng lọc, thẩm vấn lần lượt nhưng không thu được manh mối nào.
Do thiếu manh mối và hạn chế về công nghệ điều tra, vụ án bế tắc. Tổ chuyên án rút khỏi thôn sau ba tháng điều tra.
Đến năm 2020, lực lượng công an toàn Trung Quốc phát động chiến dịch xử lý các vụ án tồn đọng. Lúc này, công nghệ điều tra tội phạm đã có bước nhảy vọt. Vụ án cô bé Tiêu Doanh cũng được thành phố Ngạc Châu tái điều tra sau 16 năm.
Tháng 4/2020, qua các mẫu xét nghiệm được bảo quản từ năm 2004, kỹ thuật viên trích xuất được một lượng cực nhỏ ADN của nam giới. Đối chiếu với cơ sở dữ liệu, một gia đình họ Trần ở cùng làng với Doanh có kết quả trùng khớp. Trong ba đời nhà họ Trần chỉ có bốn người đàn ông trưởng thành, đều bị coi là nghi phạm.
Trần Bình được xác định là nghi phạm số một. Bình sinh năm 1989, mới 15 tuổi khi vụ sát hại bé gái xảy ra. Bình thường xuyên đi làm xa, chưa kết hôn.
Bình từng bị thẩm vấn trong cuộc điều tra năm 2004, khi đó hắn đã bỏ học, cả ngày lang thang khắp làng trên xóm dưới. Bình khai hôm đó có gặp Doanh trên đường, còn lấy bánh của cô bé, sau đó về nhà và không biết Doanh đi đâu. Vì Bình vẫn còn nhỏ tuổi, cảnh sát và dân làng đều không nghi ngờ. Gia đình Doanh cũng có ấn tượng tốt với Bình vì vẻ ngoài nhút nhát, thành thật, thường xuyên dìu cô bé đi chơi.
Phát hiện Bình đang làm việc tại một công trường xây dựng ở tỉnh Hà Nam, cảnh sát lập tức bao vây, khống chế hắn. Nghe cảnh sát hỏi tên bằng giọng địa phương quen thuộc, Bình sửng sốt, sau đó lập tức nói "Tôi không giết Tiêu Doanh", phản ứng đầu tiên này khiến cảnh sát tin chắc hắn chính là kẻ giết người.
Cảnh sát đối chiếu mẫu ADN của Bình với mẫu thu thập được từ thi thể nạn nhân, xác định là cùng một người. Trước những bằng chứng, Bình khai nhận. Những gì hắn khai năm đó là sự thật nhưng phần sau của câu chuyện đã bị che giấu.
Theo lời thú tội, sau khi lấy bánh của Doanh rồi vào nhà, Bình lại đi ra. Lúc đó trên đường không có ai, chỉ có cô bé khập khiễng từng bước chậm rãi, Bình bỗng nảy ý đồ xấu. Hắn gọi Doanh lại, dụ dỗ bằng cách nói sẽ dẫn cô bé đi xem lợn con mới sinh trong chuồng phía sau..
Thoát khỏi cuộc điều tra năm đó nhưng Bình nói luôn mơ thấy ác mộng suốt 16 năm qua. Bị ám ảnh với việc nạn nhân đến tìm mình báo thù trong mơ, Bình dần thấy sợ phụ nữ, sợ cảnh sát, không dám giao du với ai. Hắn thường tìm đọc các bản tin điều tra tội phạm, lo một ngày nào đó sẽ bị vạch trần tội ác.
Tháng 12/2021, Tòa án Tối cao tỉnh Hồ Bắc xác định dù Bình mới 15 tuổi khi gây án nhưng do mức độ nghiêm trọng vẫn kết án tù chung thân và bị tước quyền chính trị suốt đời.
Tuệ Anh (Theo Toutiao)