Triển lãm mang tên Họa duyên tương ngộ, diễn ra từ ngày 22/7 đến 6/8 tại một phòng tranh ở quận 2, TP HCM. Sự kiện đánh dấu buổi trưng bày đầu tiên của Trần Phúc Duyên sau 71 năm, kể từ triển lãm cá nhân năm 1952 ở Sài Gòn. Hai năm sau đó, ông sang Pháp rồi định cư tại Thụy Sĩ đến khi mất năm 1993.
Với ông Phạm Quốc Đạt và Lê Quang Vinh - chủ sở hữu di sản của cố họa sĩ, việc phát hiện kho tác phẩm này là cuộc hạnh ngộ hiếm có trong đời họ. Ông Quốc Đạt cho biết năm 2018, khi cả hai làm nghiên cứu về mỹ thuật Đông Dương tại Pháp, họ đọc được ghi chép của một du khách về một triển lãm ở Thụy Sĩ. Sự kiện đó trưng bày khoảng 30 bức sơn mài của một họa sĩ Việt Nam. Những tác phẩm này bị cất trên gác xép của một lâu đài, nơi họa sĩ làm việc suốt hơn 20 năm, từ năm 1968 đến khi mất.
Gặp ban tổ chức triển lãm đó, họ phát hiện đây là kho tranh thất lạc bấy lâu của Trần Phúc Duyên. Họa sĩ sinh thời không có con, chỉ có cháu sống ở Pháp, nên khi ông mất, loạt tranh cũng bị lãng quên. Nhiều bức bị đặt chỏng chơ trên nền đất do nhà tổ chức không rõ giá trị tác phẩm. Sau khi đặt vấn đề mua ba bức đầu - Sương thu, Trăng miền nhớ và Hòa ân, hai nhà sưu tập được tiết lộ còn một kho tranh khác gần 100 bức của ông.
"Chúng tôi xúc động vì tranh Trần Phúc Duyên - cũng như tranh của bộ tứ Phổ, Thứ, Lựu, Đàm - rất khó tìm, do thời thế lạc loạn khi ấy. Một số bức sơn mài còn bị tách ra, bán lẻ. Chúng tôi quyết định dùng hết tiền tiết kiệm, mua lại toàn bộ", ông Đạt nói.
Theo nhà sưu tập, tìm hiểu về di sản Trần Phúc Duyên, anh nhận ra niềm nhớ quê hương, gia đình da diết của họa sĩ trong từng tác phẩm. Sau khi được đại diện gia đình họa sĩ đồng ý, hai nhà sưu tập lên kế hoạch đưa về nước, tổ chức triển lãm. "Chúng tôi thấy có một phần trách nhiệm giới thiệu di sản này với thế hệ sau", ông Đạt cho biết.
Họ gặp khó khăn trong quá trình bảo quản. Khi cả hai tiếp nhận kho tranh, một số bức bị xuống cấp do nằm trên gác xép quá lâu. Đa số tranh vẫn giữ chất lượng tốt, song nhiều tác phẩm bị trầy xước khi di chuyển, co giãn do tác động nhiệt. Họ phải nhờ chuyên gia phục chế bồi lại tranh, giúp giấy không bị vỡ. Ban tổ chức làm việc với các chuyên gia Pháp, Thụy Sĩ để xem tranh nào cần gia cố trước khi mang về nước.
Hầu hết tác phẩm trong triển lãm sắp tới lần đầu ra mắt công chúng trong nước, với nhiều chất liệu: sơn mài, lụa, khắc gỗ và phác thảo. Không gian triển lãm gồm hai tầng, tổng diện tích khoảng 600 m2, chia thành từng cụm chủ đề: đời sống, phong cảnh, tĩnh vật, thủy mặc, trừu tượng, phúc niệm.
Giám tuyển của sự kiện - ông Ace Lê - đánh giá di sản của Trần Phúc Duyên chứng tỏ tài năng của ông từ lúc còn học ở trường Mỹ thuật Đông Dương đến khi sang Pháp, tiếp xúc với hội họa Tây Phương. "Tranh ông chuyển biến đa dạng, từ tạo hình phức tạp của sơn mài sang ngôn ngữ thị giác tối giản về hình học, màu sắc", ông nói.
Nhà nghiên cứu Ngô Kim Khôi ngưỡng mộ cách cố họa sĩ kiên trì với thể loại sơn mài đến cuối đời. Theo ông Khôi, trước khi trường Mỹ thuật Đông Dương xuất hiện, hội họa không có tranh sơn mài mà chỉ có đồ mỹ nghệ, bàn ghế. Sau đó, các danh họa Nguyễn Gia Trí, Trần Phúc Duyên đã nâng tầm lên thành mỹ thuật.
Họa sĩ Trần Phúc Duyên sinh năm 1923 tại Hà Nội trong một gia đình khá giả. Năm 1941, ông vào học lớp dự bị của Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương do Nam Sơn và Tô Ngọc Vân dạy. Năm 1942, ông thi đỗ vào khoa Sơn mài, khóa 16. Khóa học của ông không hoàn thành hết chương trình 5 năm vì trường phải đóng cửa năm 1945, sau ngày Nhật đảo chính Pháp.
Giai đoạn 1948-1954, ông sống và sáng tác tại Hà Nội. Cuối năm 1954, ông sang Pháp, tiếp tục theo đuổi hội họa. Ông thực hành tại xưởng của Jean Souverbi, trường Mỹ thuật Paris, vẽ tranh sơn dầu bán kiếm sống. Ở Paris, ông vẫn quyết tâm vẽ sơn mài dù khó tìm nguyên liệu, thời tiết không thuận lợi cho việc thực hiện loại tranh này. Ông sống và làm việc tại Thụy Sĩ từ cuối năm 1968 đến khi mất.
Mai Nhật