Các trường hợp tử vong được báo cáo ở cả Anh, Bắc Ireland và xứ Wales. Trong khi số ca nhiễm trùng được ghi nhận tăng hơn 4,5 lần so với cùng kỳ năm ngoái, chủ yếu là trẻ dưới 10 tuổi. Tỷ lệ trẻ từ 1 đến 4 tuổi nhiễm bệnh là 2 đến 3 trường hợp trên 200.000 em. Từ năm 2017 đến 2019, trung bình có 0,5 trường hợp ở nhóm tuổi đó.
Tiến sĩ Colin Brown, Phó giám đốc Cơ quan An ninh Y tế Anh, cho biết dù gây triệu chứng nhẹ, bệnh vẫn có thể dẫn đến một số ca nhiễm nghiêm trọng hơn. Ông kêu gọi các phụ huynh cảnh giác và tìm kiếm sự chăm sóc y tế càng nhanh càng tốt khi con cái có dấu hiệu suy giảm sức khỏe.
"Dù có nhiều ca mắc hơn, bản thân sự lây nhiễm không nguy hiểm hơn năm trước", Jim McManus, Chủ tịch Hiệp hội Giám đốc Y tế Công cộng Anh, nhận định, thêm rằng giới khoa học chưa tìm thấy bằng chứng vi khuẩn đột biến.
Ông cho biết số ca nhiễm liên cầu khuẩn nhóm A đã gia tăng kể từ năm 2016. Trong hai năm đại dịch, do tình trạng giãn cách, phong tỏa, số ca nhiễm có chiều hướng giảm. Khi thế giới trở lại bình thường, liên cầu khuẩn bắt đầu lây nhiễm rộng, số ca nhiễm tăng.
Theo Cơ quan An ninh Y tế Anh, liên cầu khuẩn nhóm A là loại vi khuẩn phổ biến, có thể được tìm thấy trên cổ họng hoặc da của người bệnh. Trong một số trường hợp, vi khuẩn không gây triệu chứng, nhưng nó có thể gây viêm amiđan, viêm họng, phát ban và chốc lở.
Ở người lớn tuổi, trẻ nhỏ hoặc người bị suy giảm miễn dịch, vi khuẩn có thể xâm nhập vào máu và gây bệnh nghiêm trọng hơn, được gọi là liên cầu khuẩn nhóm A xâm lấn (iGAS). Tình trạng này dễ dẫn đến viêm cân hoại tử, viêm phổi hoại tử và hội chứng sốc nhiễm độc liên cầu, nguy cơ tử vong.
Liên cầu khuẩn nhóm A rất dễ lây lan qua tiếp xúc gần gũi với người bệnh khi họ ho, hắt hơi hoặc có vết thương hở. Một số trường hợp mắc bệnh không triệu chứng vẫn có thể lây truyền mầm bệnh cho người khác. Nếu được điều trị bằng kháng sinh, bệnh nhân sẽ ngừng lây nhiễm trong khoảng 24 giờ.
Thục Linh (Theo CNBC)