Hà Linh
Phát động từ tháng 11/2007, cuộc thi nhận được gần 400 bản thảo. Với chủ đề Một ngày kỳ lạ, Ban tổ chức muốn đem đến cho độc giả nhỏ tuổi những tác phẩm vừa tái hiện đời sống hiện thực, vừa xen lẫn những ước mơ vượt thoát lên đời thường, vươn tới một thế giới xa xôi, kỳ lạ, qua đó bồi đắp trí tưởng tượng và tình cảm cho một thế hệ công dân mới. Từ những tình huống giả định và giả tưởng, các tác giả đã sử dụng những yếu tố huyền ảo, kỳ ảo, những phép lạ... một mặt tô đậm thêm phần hiện thực được phản ánh; mặt khác xoay chuyển hiện thực ấy, tác động vào đó một cách mạnh mẽ, từ đó chắp cánh cho những ước mơ của các em bay lên.
Giải nhất truyện ngắn thuộc về tác phẩm Thầy lang hai mặt của Nguyễn Thị Bích Nga. Hội đồng giám khảo nhận định, truyện "có giọng văn hóm hỉnh, linh hoạt và khả năng sử dụng ngôn ngữ để cuốn hút người đọc. Điệp khúc "thầy lang vặn ngược cái đầu, cho cái mặt màu xanh lá cây quay ra sau, cái mặt màu xanh da trời quay ra trước" chứng tỏ một tay nghề vững vàng, đồng thời là yếu tố gây ấn tượng thú vị với người đọc nhỏ tuổi. Hai mặt của một ông thầy lang kỳ lạ đóng vai trò của hai khía cạnh khác nhau trong một con người. Có khi đó là một ý kiến chính thức và một ý kiến phản biện; một người có lý, một người có tình; một người lý tưởng và một người thực tế... Câu chuyện là niềm mong mỏi được bù đắp và đem đến nhiều thay đổi cho những trẻ em tật nguyền và thua thiệt trong xã hội".
![]() |
Đại sứ Đan Mạch tại Việt Nam phát biểu trong lễ trao giải. |
Giải nhì được dành cho hai chùm truyện của Lục Mạnh Cường (Quả vải khô, Seo May) và Thu Trân (Muỗi hút mỡ, Đổi răng với chuột). Lục Mạnh Cường được đánh giá cao ở việc sử dụng tình huống giả tưởng làm nổi bật tình cảm nhân ái giữa người với người. Yếu tố huyền ảo trong truyện ngắn của anh được sử dụng để gửi gắm ước mơ bồi đắp tình yêu thương, đem lại niềm vui, niềm hạnh phúc thực sự cho mỗi con người và cả cộng đồng. Còn Thu Trân thể hiện giọng văn dí dỏm, trong trẻo khiến cho những tác phẩm mang tính giáo dục của chị đến với trẻ em một cách nhẹ nhàng, thuyết phục.
Đoạt giải ba, truyện ngắn Một ngày kỳ lạ của Đào Thị Kim Anh lại dùng trí tưởng tượng để cho vòi rồng hút một chú bé giữa vùng nước lũ Nam bộ thả vào giữa một gia đình ở thủ đô. Chuyến "du ngoạn" này gây ra bao nhiêu đau khổ, lo sợ, đồng thời đem đến niềm vui và sự gắn kết giữa những con người xa lạ. Phép màu giữa đời thường có tác dụng làm nổi rõ tình cảm gia đình, tình yêu quê hương thân thuộc, tình cảm giữa con người với nhau trong cơn hoạn nạn. Ban tổ chức còn trao 3 giải khuyến khích cho các truyện Lọ thuốc thời gian - Nguyễn Thu Hằng, Mạch ngầm - Lương Sĩ Cầm, Ngày hè kỳ lạ - Võ Thị Hà.
Thể loại truyện tranh không có giải nhất nhưng đoạt giải đều là các tác giả có tuổi đời còn rất trẻ, mới tiếp xúc với thể loại truyện tranh một thời gian ngắn. Một ngày kỳ lạ - tác phẩm được giải nhì của hai tác giả Phạm Hoàng Giang, Phùng Thị Xuân Ngân được đánh giá là "đậm đặc chất cổ tích châu Âu, chi tiết và cách kể không mới, tuy nhiên phần tranh được thể hiện khá tốt, đã nâng chất lượng tác phẩm lên một cách đáng kể". Những sáng tác đoạt giải khác bao gồm: Dắt gấu về nhà, Thành phố không mặt trời (Bích Khoa - đồng giải nhì), Đàn cừu bay (Dương Ngọc Tú Quỳnh - giải ba) và các giải khuyến khích: Cuộc phiêu lưu của cậu bé lười - Trung Kiên, Thanh Hồng; Một ngày kỳ lạ - Tô Như Nguyên; Chuyện của Kiến - Thanh Xuân.