Bệnh nhân được bác sĩ Trung tâm Y tế quận Ô Môn cấp cứu có tim trở lại, đặt nội khí quản giúp thở và chuyển sang Bệnh viện S.I.S Cần Thơ trong tình trạng hôn mê, tụt huyết áp, suy hô hấp. Điện tim ghi nhận ông bị nhồi máu cơ tim cấp (cục huyết khối làm tắc động mạch vành), được chuyển đến phòng can thiệp. May mắn, chỉ sau 15 phút can thiệp, ê kíp đã tái thông hoàn toàn vị trí mạch máu nuôi tim đang bị tắc.
Ngày 11/7, bác sĩ Nguyễn Đức Chỉnh, Trưởng khối Nội Tim mạch - Tim mạch Can thiệp, cho biết trường hợp tắc động mạch vành nếu không được điều trị khẩn cấp ở những nơi có đầy đủ trang thiết bị hỗ trợ thì bệnh nhân có thể tử vong nhanh, tỷ lệ tử vong lên đến 60-70%.
Việc can thiệp đặt stent nhằm giải quyết tình trạng tắc nghẽn cấp tính. Về lâu dài, nếu bệnh nhân bị nhồi máu cơ tim diện rộng cần theo dõi, dùng thuốc điều trị để chống tắt stent, kiểm soát các bệnh lý nền và các yếu tố nguy cơ như hút thuốc lá, uống rượu bia... Ngoài ra, bệnh nhân cũng cần theo dõi các biến chứng suy tim, đột tử sau nhồi máu cơ tim.
Theo bác sĩ Chỉnh, người nhồi máu cơ tim nếu mạch máu không tắt hoàn toàn, dấu hiệu nhận biết sớm là đau ngực. Ở những trường hợp có hẹp nặng nhiều nhánh mạch vành, biểu hiện sẽ là đau ngực kèm khó thở khi gắng sức. Điều này cũng giúp lý giải vì sao có người nhồi máu cơ tim đau âm ỉ nhiều ngày, song có những trường hợp chỉ cần một cơ đau tim đã nhanh chóng tử vong. Chẳng hạn, bệnh nhân này buổi sáng hơi đau ngực, đến trưa thì ngất xỉu.
Bác sĩ khuyến cáo người bệnh không nên bỏ qua những dấu hiệu sớm mà cần chủ động thăm khám, theo dõi tại các bệnh viện chuyên khoa sâu, tránh những diễn tiến xấu có thể xảy ra.
Lê Phương