Ngày 9/11, Cục trưởng An toàn Thực phẩm Nguyễn Thanh Phong cho biết 10 tháng đầu năm cả nước xảy ra 91 vụ ngộ độc thực phẩm, giảm 30% so với cùng kỳ 2017. Số người chết do ngộ độc là 15, giảm 9 so năm trước. 71 cơ sở vi phạm bị phạt tổng cộng hơn 4,3 tỷ đồng. Các vi phạm chủ yếu về chất lượng thực phẩm, điều kiện sản xuất, quảng cáo, không thực hiện công bố sản phẩm theo quy định, sai nhãn mác...
"Phần lớn người tử vong do ngộ độc rượu, nấm độc", ông Phong nói.
Cục trưởng An toàn thực phẩm khuyến cáo người dân cần lựa chọn, chế biến và tiêu dùng thực phẩm an toàn, đặc biệt trong dịp Tết sắp đến. Không sử dụng thực phẩm không rõ nguồn gốc, có dấu hiệu ôi thiu, mốc, hỏng. Hạn chế chế biến quá nhiều thức ăn ngày Tết để tránh sử dụng thực phẩm không tươi, mất dinh dưỡng. Không dùng phẩm màu độc hại, các chất phụ gia, hóa chất ngoài danh mục cho phép.
Không nên uống cồn công nghiệp vì nguy cơ ngộ độc, mù mắt, tử vong. Không lạm dụng rượu bia, không uống rượu ngâm với lá, rễ cây, phủ tạng động vật không rõ độc tính hay rượu ngâm theo kinh nghiệm cá nhân, rượu không rõ nguồn gốc. Không uống rượu khi đang đói, mệt hoặc đang uống thuốc điều trị bệnh. Trẻ em dưới 18 tuổi không được uống rượu bia.
Tuyệt đối không ăn nấm lạ, nấm hoang dại. Không ăn thử nấm, không hái nấm non chưa xòe mũ vì khó nhận dạng nấm độc. Không ăn nấm bị dập nát, ôi thiu.