Thứ năm, 21/11/2024
Thứ ba, 10/9/2024, 00:00 (GMT+7)

15 ngày tìm đười ươi, chim quý ở Indonesia của khách Việt

Trong 15 ngày ở Indonesia, du khách Việt tiếp xúc với bộ lạc nguyên thủy, tận mắt nhìn thấy loài chim thiên đường và đười ươi.

Ngô Văn Điệp (ngoài cùng bên phải), 40 tuổi, cùng nhóm bạn thực hiện chuyến chụp ảnh 15 ngày, từ 31/7 tới 14/8, tại Indonesia. Hành trình băng qua bốn đảo, gồm Java, Waigeo, Papua và Tây Papua. Tổng chi phí 115 triệu đồng mỗi người.

Mục tiêu của nhóm đam mê nhiếp ảnh này là khám phá các bộ lạc còn nguyên thủy, tìm kiếm chim thiên đường, đười ươi và ngắm cảnh núi lửa.

Trong ảnh là đoàn khách khi giao lưu với bộ lạc Dani khi ở Papua.

Núi lửa Bromo là điểm đầu tiên của chuyến săn ảnh. Núi Bromo nằm trong Công viên quốc gia Bromo Tengger Semeru, phía đông của đảo Java. Theo công ty du lịch địa phương Bromo Volcano, mỗi năm, hàng nghìn du khách tới để chứng kiến núi lửa đang hoạt động này. Công viên quốc gia thường xuyên giám sát hoạt động của núi lửa nên điểm du lịch này an toàn với du khách.

Anh Điệp nói thường không chọn các điểm đông khách du lịch nhưng Bromo là ngoại lệ. Trong hình là đỉnh Bromo khi những ánh nắng đầu tiên chiếu xuống, kết hợp làn sương mỏng tạo nên khung cảnh huyền ảo.

"Phong cảnh ngoạn mục của ngọn núi khiến tôi không thể bỏ qua", anh nói.

Các đường rãnh trên bề mặt núi lửa được tạo ra từ những vụ phun trào magma. Họa tiết khe rãnh và sự sinh sôi của cây cối khiến du khách Việt thích thú.

Điểm săn ảnh chim thiên đường của nhóm anh Điệp nằm ở quần đảo Raja Ampat, tỉnh Tây Papua.

Nhóm dậy từ 4h, di chuyển bằng xe khoảng 45 phút tới vườn quốc gia và đi theo cung trekking dài khoảng ba km tới điểm chim thiên đường kiếm ăn. Anh Điệp cho biết đã chờ rất lâu mới thấy một con chim thiên đường Wilson đực (ảnh) - loài đặc hữu ở Raja Ampat.

Tuy nhiên, trời mưa, ánh sáng yếu, rừng nhiệt đới nhiều cây leo nên buổi chụp hình chim thiên đường Wilson "gần như thất bại". Anh Điệp nói sẽ quay lại vào mùa khô để có những tấm hình tốt hơn về loài này.

Nhóm cũng bắt gặp chim thiên đường đỏ, loài đặc hữu của Raja Ampat. Theo website của Khu bảo tồn đa dạng sinh học Raja Ampat, những con chim đực sẽ thực hiện "màn trình diễn thanh lịch kỳ lạ" khi tìm chim cái.

Chúng cùng nhau làm những điệu nhảy, phô diễn vẻ đẹp để tranh giành cơ hội giao phối. Chim cái kén chọn đến nỗi có những con đực phải trải qua vài ngày vẫn chưa được thỏa ước nguyện. Trong hình là chim đực (giữa) đang tán tỉnh hai con chim cái.

Thuyền đưa đoàn vượt sông để vào vùng lõi của vườn quốc gia Tanjung Puting, Borneo - nơi có đười ươi sinh sống. Borneo nằm tách biệt về phía tây của quần đảo Indonesia, được chia thành ba phần thuộc ba quốc gia: Indonesia, Malaysia và Brunei.

Chuyến đi chụp đười ươi không gặp nhiều trắc trở vì nhóm có sự hướng dẫn từ người địa phương và kiểm lâm. Tuy nhiên, nam du khách chưa hài lòng về chuyến đi vì trước đó "chủ quan và nắm thiếu thông tin". Với anh, tour thăm đười ươi ba ngày hai đêm không đủ khám phá phần nhỏ của Tanjung Puting - nơi có diện tích tới 4.150 km2.

"Sau đó, tôi mới biết vườn quốc gia cũng cung cấp chương trình kéo dài 5-7 ngày, đi vào vùng lõi, cho nhóm khách sáng tác ảnh, nghiên cứu, không phải du lịch thuần túy", anh nói.

Đười ươi Borneo được chia làm ba phân loài, sống tại ba vùng ở Borneo gồm Tây Bắc, Đông Bắc và Trung, theo World Wildlife. Quần thể đười ươi Borneo đã giảm hơn 50% trong 60 năm qua và môi trường sống của loài này đã bị thu hẹp ít nhất 55% trong 20 năm qua.

Năm ngoái, tờ Telegraph đưa tin số lượng đười ươi bị giết ở Borneo vẫn gia tăng vì một số lý do như xung đột với con người; một số con mẹ bị giết trái phép để bắt con non, đem bán cho mục đích thương mại. Ngoài ra, việc phá hủy môi trường sống của chúng để sản xuất dầu cọ cũng đẩy loài đười ươi đến gần khu định cư của con người hơn.

Mục tiêu lớn nhất khi tham gia hành trình 15 ngày của anh Điệp là tiếp xúc với những bộ lạc nguyên thủy tại Indonesia. Từ lâu, anh đã có đam mê thực hiện bộ ảnh về các dân tộc thiểu số nên luôn nung nấu ý định tới Indonesia. Du khách Việt đã định tới từ năm 2019 nhưng phải hoãn lại 5 năm vì đại dịch.

Anh Điệp (trái) chụp ảnh cùng người bộ lạc Dani tại Papua. Người Dani sống ở thung lũng Baliem - nơi được ví là "Shangri-La thực sự", theo Papua Explorer, ý chỉ một vùng đất xa xôi, tươi đẹp.

Người Dani sống biệt lập, sinh kế chính từ nông nghiệp và chăn nuôi lợn. Khu vực thung lũng Baliem chưa bị ảnh hưởng nhiều bởi du lịch, các nỗ lực hiện đại hóa vẫn diễn ra "rất chậm" nên người địa phương vẫn giữ được nhiều nét văn hóa vốn có.

Theo anh Điệp, nhóm chọn tới thung lũng Baliem vào tháng 8 vì đây là dịp chính quyền tổ chức lễ hội nhằm vinh danh các giá trị văn hóa, bộ lạc khắp nơi tề tựu về.

"Đó là cơ hội tốt để giao lưu với nhiều bộ lạc và không cần vào rừng sâu tìm họ", anh nói.

Trong hình là một chiến binh thợ săn của bộ lạc Lani - bộ lạc ôn hòa và có quan hệ thân thiết với người Dani. Theo Vanishing World Photography, người Lani cởi mở với văn hóa hiện đại hơn người Dani.

"Những bộ lạc ở đây vẫn sống như thời nguyên thủy", anh Điệp nói. Về trang phục, anh thấy nam hay nữ đều để ngực trần, bộ phận sinh dục chỉ được che bằng vỏ cây hoặc đầu quả bầu. Nếp sinh hoạt của những bộ lạc cũng khiến anh bất ngờ khi họ ngủ cùng lợn, dùng đá nấu ăn và rải cỏ xuống sàn nhà làm thảm ngủ.

Điều tuyệt vời nhất nam du khách thấy trong ba đêm ở thung lũng Baliem là lễ hội đánh trận giả và trải nghiệm học nấu ăn bằng đá nóng cùng phụ nữ.

Ngoài việc chụp chim thiên đường không như ý, anh Điệp hài lòng về những gì thu được trong chuyến đi. Sau 15 ngày khám phá, du khách Việt thực sự kinh ngạc với sự đa dạng văn hóa, sinh học ở Indonesia.

Hoài Anh

Ảnh: Diep Van

Mời độc giả gửi bài, câu hỏi tại đây hoặc về dulich@vnexpress.net