Hôm nay, TAND TP HCM đã xét xử vụ tham ô, thiếu trách nhiệm xảy ra tại Xí nghiệp Chế biến lâm sản Thanh Niên (thuộc Thành đoàn thành phố) ra xét xử. Tuy nhiên, Hội đồng xét xử đã quyết định trả hồ sơ vụ án cho Viện kiểm sát thành phố để điều tra, làm rõ những vấn đề có liên quan đến thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự, xác minh việc cơ quan điều tra không tống đạt quyết định khởi tố bị can, không áp dụng biện pháp ngăn chặn nhưng lại truy nã...
Theo cáo trạng của VKSND TP HCM, lợi dụng chức danh là Phó giám đốc Xí nghiệp Chế biến lâm sản Thanh Niên, Lê Thị Minh Nguyệt đã ký nhiều khế ước vay tiền của các hợp tác xã tín dụng. Từ tháng 4 đến 8/1989, Nguyệt đã mượn được 65 triệu đồng nhưng không đem về nhập quỹ, chi sai và chiếm đoạt 25 triệu đồng. Hành vi của Nguyệt đã phạm vào tội tham ô tài sản. Liên quan đến vụ việc còn có hành vi thiếu trách nhiệm của kế toán trưởng Võ Minh Phụng.
Tuy nhiên, quá trình thẩm vấn tại tòa, các bị cáo này đã đưa ra hàng loạt chứng cứ cho thấy sai sót nghiêm trọng trong thủ tục tố tụng của cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an thành phố. Cả Nguyệt và Phụng đều khẳng định chưa hề nhận được quyết định khởi tố vụ án, bị can và không hay biết gì đến việc bị công an truy nã. "Tháng 1/2006, tôi mới ký nhận quyết định khởi tố nhưng trong đó lại ghi năm 1992. Công an Đệ bảo là để bổ túc hồ sơ", hai bị cáo này đồng loạt "tố".
Theo bà Nguyệt, từ thời điểm xảy ra vụ án, bà vẫn có hộ khẩu trong thành phố. Đến năm 1996, bà làm thủ tục chuyển hộ khẩu từ chung cư Lý Thường Kiệt, quận 10, đến nhà mẹ ở quận Phú Nhuận. "Năm 2000, tôi vẫn được cấp passport đi du lịch", bị cáo trình bày. Nguyên kế toán trưởng Phụng khai tương tự: "Trước đến giờ tôi vẫn có hộ khẩu tại phường Nguyễn Thái Bình, quận 1, nhưng chưa bao giờ nhận được quyết định gì của cơ quan công an, ngoài giấy triệu tập lên làm việc. Đầu năm 1993, tôi còn xin làm lại chứng minh nhân dân, có ai nói tôi bị truy nã đâu".
Tham dự phiên tòa với tư cách nhân chứng, một cán bộ đồng nghiệp với hai bị cáo trên cũng cho biết: "Chưa hề biết đến quyết định khởi tố nào. Trong thời gian nghỉ việc tại xí nghiệp, chị Nguyệt và anh Phụng vẫn liên hệ và tham gia một số công tác của thành đoàn. Tôi đã từng hỏi có bị xử lý gì không, họ đều nói là không thấy gì".
Theo luật sư Nguyễn Văn Tuấn (đoàn luật sư TP HCM), bào chữa cho bị cáo Nguyệt, các quyết định khởi tố năm 1991, bị cáo đều không nhận được. Cơ quan công an cũng không hề có quyết định cho tại ngoại và biện pháp ngăn chặn, cấm đi khỏi nơi cư trú trước khi có lệnh truy nã vào năm 1992. Việc các bị cáo vẫn được cho chuyển hộ khẩu, làm passport, chứng minh... chứng tỏ chính quyền địa phương cũng không biết gì đến lệnh truy nã và rõ ràng là các bị cáo không hề lẩn trốn. Đến nay, VKS truy tố bị cáo Nguyệt về tội tham ô theo khoản 1 điều 278 Bộ luật hình sự thuộc trường hợp ít nghiêm trọng nên chỉ có thời hạn truy cứu trong 5 năm. Nay vụ án đã xảy ra 17 năm là đã hết thời hiệu nên cần phải đình chỉ vụ án cho các bị cáo trên.
N. Hải