Giữa tháng 7, ngồi trong căn nhà cấp bốn hơn 50 m2, mái ngói thủng lỗ chỗ phải lấy tấm gỗ ép che, bà Nguyễn Thị Hường, 87 tuổi, trú khối Tân Phượng, phường Vinh Tân, liên tục lấy tay lau mồ hôi. "Mái thủng, nắng chiếu xuống khiến nhà nóng ran, tôi muốn sửa nhà, lắp điều hòa cho mát, song không thể do vướng quy hoạch. Tuổi gần đất xa trời, mong sớm thoát cảnh này", bà Hường nói.
Tương tự, hộ ông Trần Đức Trường sở hữu khu đất 1.600 m2 nhưng không thể chia cho bốn con trai. Ông Trường hiện sống cùng con trai thứ hai, ba người kia đã đi thuê chỗ khác ở. Căn nhà cấp bốn rộng khoảng 70 m2, xây từ 35 năm trước, được chia đôi cho hai gia đình ông và con thứ hai.
"Nhà" của chị Nguyễn Thị Nga, 38 tuổi, con dâu ông Trường, là căn phòng rộng gần 30 m2, bên trong đặt chiếc giường, tủ nhôm cùng một số vật dụng. Góc bếp bố trí bên cạnh bậc thềm, sát cửa ra vào, chỉ đủ đặt bếp gas và vài cái nồi. Phòng ẩm thấp, thấm dột, nhiều lần chị Nga muốn sửa chữa cho rộng để có không gian thoải mái hơn, nhưng không được chính quyền duyệt đề xuất.
"Các con đã lớn, muốn có không gian riêng cho chúng học tập và sinh hoạt nhưng đành bất lực. Nhà chỉ có chồng là lao động chính, tôi làm thuê thời vụ và ở nhà nuôi con, để kiếm tiền mua đất ở khu vực khác rồi xây nhà là không thể. Ai cũng muốn được đi tái định cư sớm để bớt khổ", chị Nga nói.
Bà Hường, ông Trường nằm trong số gần 30 hộ dân có đất vướng quy hoạch đường Lê Mao kéo dài, phải sống trong cảnh không được cơi nới, nâng cấp, sửa chữa nhà cửa hay chuyển nhượng, tách thửa đất cho con cháu. Khu đất dự án cây cối um tùm, đường đi xuống cấp. Mùa lũ nhà cửa ngập hơn một mét, người dân phải dùng thuyền. Mùa nắng, gió thổi bụi bay mù mịt.
"Sống tại đây muốn chăn nuôi hay làm vườn để cải thiện kinh tế cũng không được. Mưa lũ, nước dâng cao khiến gia súc, gia cầm bị cuốn trôi, cây ăn quả bị úng nước nhiều ngày rồi chết", ông Trần Văn Lý, trú khối Tân Phượng, cho hay. Để tránh ngập lụt chia cắt đường, vừa qua ông Lý đã tự bỏ tiền mua vật liệu, đắp con đường dài hàng chục mét nối từ nhà ra đường bêtông chính để tiện đi lại.
Dự án đường Lê Mao kéo dài được thi công từ năm 2008, với điểm đầu giao cắt với đường Trần Phú, điểm cuối là sông Vinh, tổng cả tuyến dài 1,5 km. Công trình được đầu tư theo hình thức BT (hợp đồng xây dựng, chuyển giao), do một công ty ở Hà Nội làm chủ đầu tư. Nhà chức trách kỳ vọng đây là dự án trọng điểm để mở rộng và kích cầu phát triển kinh tế, xã hội về phía Nam của TP Vinh.
Thi công được một km, chính quyền đang làm thủ tục giải phóng mặt bằng đoạn hai thì chính sách đầu tư BT bị dừng lại, phải chuyển sang đầu tư công. Theo phương án ban đầu, doanh nghiệp đã có quỹ đất bố trí cho gần 30 hộ dân bị ảnh hưởng được tái định cư xung quanh đó. Song khi chuyển sang đầu tư công, TP Vinh gặp khó khăn về vốn nên dự án phải dừng lại.
Theo tính toán, nơi ở hiện nay của gần 30 hộ dân có diện tích giải phóng mặt bằng hơn 18.000 m2. TP Vinh từng dự kiến bố trí khu đất tái định cư tại phường Trung Đô, song người dân không đồng ý. Các hộ dân tại khối Tân Phượng chủ yếu là lao động tự do, làm ăn buôn bán xung quanh phường Vinh Tân, vì thế mong muốn được bố trí đất tái định cư tại khu vực này.
Tại các cuộc họp sau đó, chính quyền cho rằng quỹ đất tại khu vực đường Lê Mao kéo dài đã cạn, đề xuất nơi ở mới tại phường Hưng Đông, Nghi Phú..., cách điểm hiện tại 6-7 km, song cũng không nhận được sự đồng tình của người dân.
Theo Ban Quản lý dự án đầu tư và xây dựng TP Vinh, cuối tháng 5, thành phố đã có quyết định điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án đường Lê Mao kéo dài giai đoạn hai, với tổng vốn hơn 139 tỷ đồng cho 500 m còn lại. Trong đó chi phí bồi thường, giải phóng mặt bằng hơn 59 tỷ đồng, dự kiến triển khai năm 2024.
"Lâu nay lãnh đạo TP Vinh đã phối hợp với phường Vinh Tân tổ chức nhiều cuộc họp, hiểu được nguyện vọng của người dân là muốn tái định cư gần đó", ông Nguyễn Ngọc Phong, Giám đốc Ban Quản lý dự án, nói. Chính quyền đã lên kế hoạch lập một số khu tái định cư, trước mắt sẽ tuyên truyền, vận động các giải pháp nằm trong quy định cho phép để thuyết phục người dân.