Theo học ngành Sinh - Môi trường (Đại học sư phạm Đà Nẵng), ra trường năm 2006, dạy hợp đồng được vài tháng, chàng cử nhân "đầu quân" cho dự án nghiên cứu bảo tồn voọc chà vá chân xám (Pygathrix cinerea) tại Vườn quốc gia Kon Ka Kinh.
Từ năm 2006 đến nay, anh Tâm là điều phối viên duy nhất của Hội Động vật học Frankfurt làm việc ở vườn. Hơn 15 năm qua, anh ở rừng nhiều hơn ở nhà, công việc của anh là theo dõi, ghi chép, quan sát và nghiên cứu tập tính sinh thái của loài linh trưởng đặc hữu của Việt Nam.
Tùy vào mục tiêu nghiên cứu, những chuyến khảo sát thực địa kéo dài 5-12 ngày, mỗi đợt có 5-10 người, đi qua nhiều núi sâu, vực thẳm, mỗi ngày di chuyển trung bình 20 km. Hành trang của Tâm là chiếc ba lô với đủ thứ lỉnh kỉnh: võng, xoong nồi, gạo, thức ăn khô, máy định vị GPS, đèn pin...
Những tháng đầu chưa kinh nghiệm, anh thường đi theo người dẫn đường, cố gắng ghi nhớ những gốc cây, con suối hay mỏm đá sau đó tự trở lại lán. Anh cố gắng ghi nhớ địa hình, từng con suối, theo dõi và quan sát voọc, nhận biết thức ăn của loài, thông qua dấu vết để lại trên các mẫu vật như quả và lá, mùi nước tiểu....
"Mất hơn 2 năm, tôi mới hoàn thành việc nghiên cứu tập tính của loài voọc và nắm rõ chu kỳ hoạt động trong ngày, khi nào chúng đi kiếm ăn, lúc nào nghỉ ngơi, mùa nào thì tập trung đàn lớn...", anh Tâm nói.
Anh Tâm kể, trong chuyến thực địa cùng đồng nghiệp đi từ sáng sớm đến trưa phát hiện đàn voọc khoảng 15 con đang nghỉ ngơi ở một khe núi, cả hai nép mình quan sát, ghi chép, chụp hình. Đến đầu giờ chiều chúng tiếp tục di chuyển lên dãy núi cao, họ quyết định bám theo đến nơi ngủ của đàn voọc.
Suốt đêm hai người chịu lạnh, ăn mì tôm sống, không dám đốt lửa vì sợ khói đánh động đến đàn voọc. "Nhờ vậy mà chuyến đi đó thu được nhiều tài liệu quý giá", anh Tâm nói. Sắp tới anh sẽ nghiên cứu làm dự án tiến sĩ về ảnh hưởng của cộng đồng địa phương đến quần thể voọc chà vá chân xám và môi trường. Việc này đưa ra giải pháp giúp đàn voọc, vừa giúp cộng đồng địa phương thấy được giá trị của việc bảo tồn loài đặc hữu này.
Ngoài ra, khi Hội Động vật học Frankfurt tài trợ smartphone và máy tính cho 10 trạm, đội bảo vệ rừng của Vườn Quốc gia Kon Ka Kinh, anh Tâm là chuyên gia về sử dụng phần mềm trong các hoạt động tuần tra, nghiên cứu bảo tồn. Anh đã hỗ trợ ban quản lý vườn về kỹ thuật, tập huấn cho cán bộ sử dụng thành thạo ứng dụng để đi tuần tra.
Đây là ứng dụng giúp ghi lại quá trình tuần tra thông qua việc vẽ lại hành trình này trên bản đồ. Khi cán bộ bảo vệ rừng cài ứng dụng Smart Mobile, khi đi tuần tra các thông tin trên tuyến tuần tra: khoảng cách, vị trí, động vật, các tác động của con người, lán trại, bẫy ... đều được ứng dụng ghi lại. Các dữ liệu này sau đó được chuyển vào phần mềm Smart trên máy tính và chạy ra báo cáo giúp bảo vệ rừng được hiệu quả hơn.
Từ năm 2017 đến nay, thông qua việc hỗ trợ đặt "bẫy ảnh", anh Tâm còn giúp Vườn ghi nhận được 32 loài động vật hoang dã sinh trưởng tại đây, trong đó có nhiều loài nằm trong Sách đỏ Việt Nam và thế giới. Đặc biệt, anh phát hiện một loài động vật vô cùng quý hiếm được xem như đã tuyệt chủng tại Việt Nam.
Bên cạnh đó, anh Tâm cùng lực lượng bảo vệ rừng gỡ hàng nghìn bẫy thú; cùng công an các xã khu vực vùng đệm thu hồi súng săn, cảm hóa thợ săn trở thành người tham gia bảo vệ rừng. Trong quá trình lội rừng tìm voọc, anh còn chụp hàng nghìn tấm ảnh ghi nhận về những loài động, thực vật của vườn đã phục vụ hiệu quả công tác nghiên cứu, tuyên tuyền giáo dục của địa phương...
Ông Ngô Văn Thắng, Phó giám đốc phụ trách Vườn quốc gia Kon Ka Kinh nói anh Tâm là người rất tâm huyết với dự án bảo tồn voọc chà vá chân xám, bảo vệ đa dạng sinh học. Đáng chú ý, với một số chương trình theo dự án hỗ trợ của Hội Động vật học Frankfurt tại Việt Nam, anh Tâm đã tập huấn nâng cao năng lực cho cán bộ vườn sử dụng công nghệ để bảo vệ rừng, tuần tra giám sát.
Năm 2020, anh Tâm đã sử dụng phương pháp tuyến, điều tra và ghi nhận chính xác số lượng voọc chà vá chân xám của vườn với hơn 1.500 con (so với ghi nhận trước đây 300-500 con), giúp đơn vị xây dựng chiến lược bảo tồn tốt hơn.
Vườn Quốc gia Kon Ka Kinh là "nóc nhà" của Gia Lai, cao 1.748 m, diện tích gần 42.000 ha. Theo thống kê, vườn có 428 loài động vật, trong đó 42 loài thú, 130 loài chim, 51 loài bò sát... Trong số này, có nhiều loài quý hiếm, giá trị bảo tồn gen và nghiên cứu khoa học được ghi vào sách Đỏ Việt Nam và thế giới.
Trần Hoá