Vụ việc xảy ra tại thành phố Guanajuato, được truyền thông địa phương đưa tin hôm 2/2. Các học sinh lớp 5 và lớp 6 đã cùng nhau tham gia "thử thách thuốc an thần", trong đó người chơi sử dụng thuốc Clonazepam hoặc Klonopin (dùng để trị chứng co giật và lo lắng) để xem ai là người cuối cùng chìm vào giấc ngủ.
Đây cũng là vụ việc thứ ba tại Mexico liên quan các học sinh phải nhập viện vì thử thách uống thuốc an thần.
Hiện chưa rõ các học sinh mua thuốc an thần ở đâu. Clonazepam gây ra nhiều tác dụng phụ, từ nhịp tim không đều đến các vấn đề về hô hấp và co giật. Ở liều lượng lớn, chúng thậm chí có thể gây hôn mê và tử vong vì làm chậm nhịp thở dẫn đến tổn thương não.
Trước đó, vào ngày 25/1, Bộ Y tế Mexico cảnh báo về sự nguy hiểm của clonazepam và kêu gọi công chúng báo cáo các hiệu thuốc bán sản phẩm này ngoài chỉ định của bác sĩ. Giới chức khuyến cáo sử dụng thuốc không có sự giám sát y tế sẽ gây ra triệu chứng buồn ngủ, buồn nôn, lú lẫn, mất trí nhớ hoặc các vấn đề nghiêm trọng hơn như khó thở.
"Chúng tôi kêu gọi trẻ em và thanh thiếu niên không tham gia hoặc truyền bá về thử thách nguy hiểm này", Bộ Y tế viết trên trang web chính thức.
Cảnh báo đưa ra một tuần sau khi 8 học sinh tại một trường trung học cơ sở ở thành phố Mexico phải điều trị vì dùng thuốc bừa bãi, một số em nhập viện. Chỉ vài ngày trước đó, vài học sinh tại thành phố Monterrey cũng nhập viện vì quá liều clonazepam.
Đây không phải lần đầu tiên các thử thách trên internet khiến thanh thiếu niên đặt bản thân vào tình huống nguy hiểm tính mạng. Tháng 1, một bé gái 12 tuổi ở Argentina đã tử vong sau khi thực hiện "thử thách ngạt thở" trên TikTok.
Theo Viện Nhi khoa Mỹ (AAP), não bộ của thanh thiếu niên chưa phát triển đầy đủ. Trên thực tế, vỏ não trước, nơi quản lý suy nghĩ và tính logic, tư duy giải quyết vấn đề, đo lường hậu quả, chưa hoàn thiện cho đến những năm 20 tuổi. Đây là lý do vì sao thanh thiếu niên thường bốc đồng và dễ hành động mà không xem xét các hậu quả.
"Trẻ em không dừng lại suy nghĩ bột giặt là chất độc, có thể làm hỏng cổ họng, hỏng đường hô hấp của chúng; hay lạm dụng thuốc như diphenhydramine (Benadryl) có thể gây ra các vấn đề nghiêm trọng về tim, co giật và hôn mê", AAP cảnh báo.
Theo AAP, người trẻ thường tập trung vào lượt thích và các bình luận. Phương tiện truyền thông xã hội và các nền tảng công nghệ khiến việc này trở nên cực đoan hơn. Cơ quan này đề nghị phụ huynh trò chuyện cởi mở với con cái, coi trẻ như bạn bè và chủ động tìm hiểu về các thử thách trên mạng xã hội. Sau đó, các bậc cha mẹ cần thảo luận "một cách bình tĩnh và không phán xét", đồng thời khuyến khích các suy nghĩ tích cực của con em.
"Bạn cần nhắc nhở con rằng dùng nhiều thuốc không kê đơn có thể gây ra quá liều, giống với thuốc theo đơn", FDA cho biết. Cơ quan khuyến cáo các gia đình khóa kín tủ thuốc một cách an toàn khi không sử dụng.
Thục Linh (Theo NY Post, CNN)