Thông tin được đại diện Cơ quan Phát triển quốc tế Mỹ (USAID) chia sẻ tại hội thảo thúc đẩy thực hiện dự án Hỗ trợ cải thiện chất lượng sống của người khuyết tật tại các tỉnh bị phun rải nặng chất da cam, ngày 28/11. Đây là hội thảo do Trung tâm hành động quốc gia khắc phục hậu quả chất độc hóa học và môi trường (NACCET) phối hợp với USAID tổ chức.
Theo Bộ Quốc phòng, trong giai đoạn 1961-1971, chiến dịch Ranch Hand của quân đội Mỹ phun khoảng 80 triệu lít chất diệt cỏ xuống 2,63 triệu ha diện tích miền Nam Việt Nam. Trong đó, chất độc da cam chiếm khoảng 60%. Còn khoảng 2,1-4,8 triệu người bị phơi nhiễm chất độc da cam/dioxin.
Khi tiếp xúc với cơ thể, dioxin xâm nhập trực tiếp vào da, các tổ chức dưới da; tổ chức phần mềm, đặc biệt là mô mỡ và mô liên kết; máu, sữa, hệ thống nội tiết, cơ quan sinh sản. Chất độc cũng xâm nhập vào gan, phổi, các tổ chức thần kinh ngoại vi và trung ương.
Trên cơ thể người, dioxin gây nhiễm độc tế bào sinh sản gây vô sinh, sảy thai, dị dạng và các rối loạn về kiểm soát sinh sản, sinh ung thư. Các loại ung thư có liên quan đến dioxin bao gồm ung thư phần mềm, ung thư máu, các ung thư đường hô hấp như thanh quản, khí phế quản, đa u tủy, tuyến tiền liệt, ung thư nhau, bàng quang, gan... Nhiều tổ chức quốc tế đã đầu tư và hợp tác với Việt Nam để nghiên cứu về dioxin và ung thư. Kết quả đều tìm thấy mối liên quan giữa ung thư gan, u lympho, phần mềm, ung thư nhau thai với dioxin.
Bắt đầu thực hiện từ năm 2021, dự án Hòa nhập với tài trợ từ Cơ quan Phát triển Quốc tế Mỹ (USAID) hợp tác với chính phủ Việt Nam cũng như các tổ chức địa phương và đơn vị tư nhân nhằm hỗ trợ người khuyết tật. Dự án củng cố hệ thống phục hồi chức năng và mạng lưới hỗ trợ cộng đồng tại Việt Nam nhằm bảo đảm tất cả người khuyết tật có cơ hội tham gia đầy đủ vào xã hội và cải thiện được tổng thể chất lượng cuộc sống.
Mục tiêu mới của dự án cải thiện chất lượng sống của người khuyết tật tại các tỉnh Bạc Liêu, Cà Mau và Quảng Ngãi. Theo đó, giai đoạn tới, dự kiến khoảng 15.000 người khuyết tật được hỗ trợ trực tiếp, trong đó 75% (khoảng 11.250 người) sẽ cải thiện được các chỉ số chất lượng cuộc sống. 18.000 thành viên gia đình người khuyết tật được đào tạo hoặc nhận được sự hỗ trợ phù hợp. Các nạn nhân sẽ được cung cấp các dịch vụ chăm sóc sức khoẻ, phục hồi chức năng, ngôn ngữ trị liệu, dụng cụ hỗ trợ...
Ngoài ra, dự án sẽ mở rộng dịch vụ xã hội, tăng cường hỗ trợ hòa nhập xã hội, giảm thiểu các rào cản, bảo đảm hòa nhập xã hội của người khuyết tật.
Trước đó, dự án đã được triển khai trên địa bàn 8 tỉnh gồm: Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam, Bình Định, Kon Tum, Bình Phước, Đồng Nai, Tây Ninh. Đến hết tháng 11/2022 đã có gần 12.000 người khuyết tật, nạn nhân da cam/dioxin được khám sàng lọc; khoảng 5.200 người được hỗ trợ, khoảng 3.500 người được nhận can thiệp phục hồi chức năng.
Lê Nga