Wabi-sabi- Chấp nhận sự không hoàn hảo
Đa phần chúng ta thất vọng khi không đạt được sự hoàn hảo nào đó trong công việc, trong tình cảm. Triết lý Wabi-sabi của người Nhật nhằm mục đích khuyến khích chúng ta chấp nhận sự không hoàn hảo của mình, đồng thời làm nổi bật những thế mạnh của bản thân. Wabi-sabi nhấn mạnh rằng mọi vẻ đẹp trong tự nhiên luôn "không hoàn hảo, vô thường và không trọn vẹn".
Mushin no shin - Vô tâm trí
Trạng thái tinh thần thiền định này có thể không dễ dàng để đạt được, nhưng nó là điều mỗi người nên đạt tới. Nói một cách đơn giản, Mushin no shin khuyến khích con người làm im lặng tiếng nói nội tâm. Thông thường, chúng ta có xu hướng đồng nhất hóa quá mức với những suy nghĩ của mình, điều này có thể tạo ra những phản ứng cảm xúc mạnh mẽ trong chính mỗi người. Mushin no shin ngược lại khuyến khích bạn buông bỏ những suy nghĩ và phán đoán để tạo ra một nhận thức thoải mái, nơi đầu óc minh mẫn và thư giãn.
Fudoshin - Tâm bất động
Cuộc sống có thể khó khăn, không ai có thể phủ nhận điều đó. Fudoshin khuyến khích bạn tìm thấy sự kiên cường và can đảm để đối mặt với những thử thách xảy đến với mình. Điều này bao gồm tìm kiếm sự bình tĩnh và quyết tâm hoàn toàn khi đối mặt với những thách thức. Ý chí không thể lay chuyển này đòi hỏi sự tĩnh tâm nơi mỗi người.
Shikata ga nai - Không thể tránh né
Khi mỗi người chúng ta chấp nhận đau khổ của mình, ít nhất chúng ta cũng tránh được việc tạo thêm đau khổ cho người khác. Chúng ta thừa nhận rằng không có cách nào khác ngoài đối diện và chấp nhận. Theo lý thuyết Shikata ga nai, đôi khi có thể chấp nhận trong yên lặng và thanh thản là điều tốt nhất, theo cách đó ít nhất chúng ta cũng giữ được phẩm giá của mình.
Ikigai - Lý do tồn tại
Mỗi chúng ta đều muốn tìm thấy mục đích sống của mình. Cuộc sống mất đi ý nghĩa là một cuộc sống "chết". Ikigai đề cập đến triết lý đó, thúc giục bạn khám phá ra điều mang lại cho chính mình sự thỏa mãn. Khi làm được điều này, chúng ta tìm thấy cảm giác hạnh phúc trọn vẹn từ trong tâm.
Ikigai là một trạng thái cao hơn tìm niềm vui đơn thuần trong cuộc sống. Mục đích của triết lý này là để tạo ra một cuộc sống tốt đẹp chứ không phải một cuộc sống tràn ngập những điều của chủ nghĩa khoái lạc.
Gaman - Đức tính khắc kỷ
Ý tưởng này của Nhật Bản có nguồn gốc từ Phật giáo Thiền tông và liên quan đến việc giữ vững tinh thần và kiểm soát cách bạn phản ứng. Nó có nghĩa là sự chịu đựng điều dường như không thể chịu đựng được với sự kiên nhẫn và lòng tự trọng.
Chủ nghĩa khắc kỷ dạy cho bạn nắm bắt những gì bạn có thể kiểm soát, xem trở ngại là cơ hội, cố gắng nuôi dưỡng sự tĩnh lặng bên trong và sống theo giá trị của bản thân. Trong văn hóa Nhật Bản, rèn luyện đức tính khắc kỷ được coi là dấu hiệu của sự trưởng thành và sức mạnh. Điều đó liên quan đến những điều nhỏ nhặt đời thường như giữ kín các vấn đề riêng tư, tránh phàn nàn và im lặng trước nghịch cảnh.
Kaizen - Luôn tìm cách cải thiện
Kaizen là một thuật ngữ khuyến khích chúng ta luôn thay đổi để tốt hơn và tìm cách không ngừng cải thiện. Khái niệm này đặc biệt được sử dụng trong lĩnh vực kinh doanh, nơi các tiêu chuẩn được cải thiện được coi là giúp giảm lãng phí và nâng cao hiệu quả. Nó cũng áp dụng cho bất kỳ lĩnh vực nào của cuộc sống mà bạn nên khuyến khích sự phát triển.
Shu-Ha-Ri - Lặp theo, áp dụng và sáng tạo
Khái niệm này biểu thị quá trình học tập, trên con đường thành thạo và áp dụng một cách sáng tạo. Đó là một mô hình tốt cho việc học tập nói chung. Triết lý này dạy bạn đi theo ba bước: Đầu tiên, phải tập trung vào những gì được dạy và nắm bắt nó trọn vẹn sau đó, chúng ta mới có thể điều chỉnh và sáng tạo dựa trên nền tảng đã có.
Mono no aware - Yêu mến sự vô thường
Triết lý này nhắc nhở mỗi người rằng mọi thứ chỉ tồn tại trong một thời gian giới hạn. Thay vì cảm thấy buồn về sự mất mát không thể tránh khỏi, chúng ta nên trân trọng thời gian mà chúng ta có. Sự biến chuyển này tượng trưng cho sự trôi qua của thời gian mà không thể tránh khỏi, và do đó phải được đón nhận với sự đánh giá cao. Như phương Tây nói, hãy tận hưởng những giờ khắc tốt đẹp nhất của cuộc sống, khi còn đang sống.
Mottainai - Lãng phí quá!
Mottainai truyền tải cảm giác tiếc nuối hoặc lo lắng về sự lãng phí. Và đó là khẩu hiệu "Giảm thiểu, tái sử dụng và tái chế". Tại Nhật Bản, việc tận dụng tối đa một thứ gì đó được coi là cao quý, không chỉ áp dụng cho vật chất. Nó cũng đồng nghĩa với việc không nên lãng phí những món quà, tài năng và khả năng của bạn. Triết lý này khuyến khích tất cả chúng ta sống một cuộc sống trọn vẹn hơn và tận dụng mọi cơ hội có thể.
Omoiyari - Nghĩ đến người khác
Không ít nghiên cứu đã chỉ ra, một trong những chìa khóa để tìm thấy sự bình an nội tâm nằm ở việc chúng ta làm được bao nhiêu cho người khác. Cho đi khiến chúng ta hạnh phúc. Omoiyari nhắc nhở chúng ta phải quan tâm đến mọi người và thể hiện sự quan tâm chân thành đến họ. Điều đó có thể thông qua tình nguyện giúp đỡ, không hẳn là tiền bạc, có thể là thời gian, tâm sức, lời nói.
Shin-Gi-Tai - Sự quân bình giữa thân và tâm, trí
Thuật ngữ này được dịch là "tâm trí, kỹ thuật và cơ thể", yêu cầu sự kết hợp của cả ba để dẫn đến thành công. Thuật ngữ nhắc bạn phải áp dụng một tinh thần mạnh mẽ, với kỹ năng được thực hiện tốt và nỗ lực thể chất để hoàn thành bất cứ điều gì. Thay vì chỉ lao vào hành động, chúng ta cần cân nhắc nhiều hơn giữa các mục tiêu, khả năng, trước khi bắt tay vào biến nó thành hiện thực.
Omotenashi - Cung cấp dịch vụ tốt nhất mà không mong được thưởng
Omotenashi, về cơ bản, nhắc đến lòng hiếu khách theo một cách có tâm. Đó là sự chú ý đến từng chi tiết để hoàn thành tốt công việc. Nó được thực hiện từ tận đáy lòng của bạn chứ không phải để nhận phần thưởng hay khen ngợi. Sự chu đáo này là một cách khác để chúng ta thể hiện sự quan tâm của người khác.
Kiyomeru - Thanh lọc
Thuật ngữ Kiyomeru tập trung vào việc thanh lọc cả thế giới vật chất và phi vật chất, gọi tắt là sự dọn dẹp. Thay vì bị coi là một công việc vặt vãnh hoặc hạ thấp giá trị, việc dọn dẹp được xem là một cách để tôn trọng và tôn vinh môi trường của bạn. Trên thực tế, việc dọn dẹp được coi là một công cụ quan trọng để các Phật tử thiền định làm sạch tâm trí.
Thùy Linh (Theo Hackspirit)