1. Francesco Totti - Italy. Huyền thoại của AS Roma có ý định từ giã đội tuyển từ sau chức vô địch World Cup 2006. Tháng 7/2007, Totti đưa thông báo chính thức, khi sắp sang tuổi 31, với lý do muốn tập trung cống hiến cho Roma.
HLV của Italy lúc đó, Roberto Donadoni cố thuyết phục học trò dự Euro 2008 nhưng bất thành. Trước vòng chung kết World Cup 2010, Totti bỏ ngỏ khả năng trở lại đội tuyển nhưng HLV Marcello Lippi, người từng cùng Totti đăng quang năm 2006, không đoái hoài. Kết quả, Italy bị loại từ vòng bảng. Còn danh thủ 42 tuổi kết thúc sự nghiệp quốc tế với 58 lần khoác áo đội tuyển. Anh tiếp tục thi đấu cho Roma thêm 10 năm sau ngày tuyên bố từ giã đội tuyển.
2. Franck Ribery - Pháp. Cầu thủ chạy cánh sinh năm 1983 chấn thương lưng ngay trước thềm World Cup 2014. Anh không kịp bình phục và lỡ giải đấu lớn trên đất Brazil, dù được Didier Deschamps gọi vào đội dự tuyển. Tháng 8/2014, Ribery tuyên bố chia tay màu áo lam vì lý do cá nhân khi mới 31 tuổi. Phát hiện của World Cup 2006 vẫn tiếp tục thi đấu cho Bayern Munich và mới gia hạn hợp đồng với "Hùm xám" đến hè 2019.
3. Eric Cantona - Pháp. Huyền thoại của Man Utd được Aime Jacquet cơ cấu làm đội trưởng tuyển Pháp, sau khi "Gà trống Gaulois" mất vé dự vòng chung kết World Cup 1994.
Mọi chuyện diễn ra ổn thoả cho đến khi cú kungfu nổi tiếng của Cantona vào một CĐV Crystal Palace diễn ra vào tháng 1/1995. Tiền đạo này bị treo giò chín tháng và HLV Jacquet không thể đợi anh lấy lại phong độ trong màu áo Man Utd. Didier Deschamps được chỉ định làm đội trưởng mới. Lối chơi của Pháp cũng được thay đổi, xoay quanh một ngôi sao mới là Zinedine Zidane. Jacquet tuyên bố, Pháp không cần những người như Cantona, Jean-Pierre Papin và David Ginola. Cantona khoác áo Pháp lần cuối vào năm 1995, khi chưa đầy 29 tuổi. Hai năm sau đó, ông treo giày.
4. Paul Scholes - Anh. Huyền thoại của Man Utd được đánh giá là một trong những tiền vệ trung tâm giỏi nhất thế hệ. Anh được Xavi, Andrea Pirlo đánh giá rất cao.
Nhưng sự nghiệp thi đấu quốc tế của Scholes lại khá ngắn ngủi. Nổi lên từ Euro 1996, Scholes có vị trí chính thức trong màu áo tuyển Anh từ World Cup 1998 và là trụ cột trong nhiều năm sau đó. Tuy nhiên, sau Euro 2004, giải đấu "Tam Sư" vào tới tứ kết, tiền vệ nhỏ con bất ngờ chia tay tuyển Anh khi chưa qua tuổi 30, vì muốn tập trung cống hiến cho CLB. Anh tiếp tục chơi bóng tới hè 2013 và ra đi cùng ông thầy Alex Ferguson.
5. Bernd Schuster - Tây Đức. Tiền đạo có biệt danh "Mũi tên vàng" là thành viên vô địch Euro 1980 của Tây Đức, nhưng chưa đầy bốn năm sau, ông bất ngờ chia tay "Những cỗ xe tăng" khi chưa đầy 25 tuổi.
Nhiều năm sau đó, Schuster tiết lộ lý do từ giã đội tuyển là bởi những bất đồng với Liên đoàn bóng đá Đức. Mất Schuster là tổn thất lớn cho Tây Đức bởi cựu danh thủ này đang ở đỉnh cao phong độ trong màu áo Barca, sau đó là Real Madrid. Ông thi đấu đến tận năm 1997, trước khi chuyển qua nghiệp HLV.
6. Samir Nasri - Pháp. Là cầu thủ Pháp hay nhất năm 2010 nhưng Nasri lại không được Raymond Domenech triệu tập vào đội hình dự World Cup 2010.
Tiền vệ gốc Algeria sau đó được Laurent Blanc gọi lại trong chiến dịch chuẩn bị cho Euro 2012. Sau trận thua Tây Ban Nha ở tứ kết giải năm đó, Nasri đã chửi một phóng viên khi người này cố gắng phỏng vấn anh. Trụ cột của Man City bị Liên đoàn bóng đá Pháp treo giò ba trận. Dưới thời thầy mới Didier Deschamps, thành viên của thế hệ 1987 không được trọng dụng. Tháng 8/2014, Nasri tuyên bố chia tay tuyển Pháp ở tuổi 27, sau khi mất suất dự World Cup 2014.
7. Ruud Gullit - Hà Lan. Thành viên trong bộ ba "Hà Lan bay" nổi tiếng gặp bất đồng với HLV Dick Advocaat trong chiến dịch chuẩn bị cho World Cup 1994.
Nhà vô địch Euro 1988 được yêu cầu chơi cánh phải, thay vì trung lộ như ngày ông đá cặp với Marco Van Basten. Gullit từ chối thi đấu cho đội tuyển vào năm 1993, nhưng đổi ý vào tháng 5/1994, khi Hà Lan chuẩn bị sang Mỹ dự World Cup. Tuy nhiên, ông không được Advocaat triệu tập vào đội tuyển. Gullit chia tay màu áo cam ở tuổi 32, dù ông vẫn tiếp tục chơi bóng cấp CLB thêm bốn năm, trong màu áo Sampdoria và Chelsea.
8. Radja Nainggolan - Bỉ. Tiền vệ trung tâm gốc Indonesia được đánh giá là một trong những người công thủ toàn diện nhất châu Âu.
Anh giúp AS Roma lọt vào bán kết Champions League mùa 2017-2018 nhưng bị Roberto Martinez gạch tên khỏi đội hình dự World Cup 2018. Thất vọng vì điều này, Nainggolan chia tay tuyển Bỉ, dù anh đang ở đỉnh cao phong độ ở tuổi 30.
9. Philipp Lahm - Đức. Nổi lên từ World Cup 2006, hậu vệ trưởng thành từ lò đào tạo của Bayern Munich chọn cái kết đẹp cho mối lương duyên với đội tuyển. Anh chia tay "Những cỗ xe tăng" ngay sau khi vô địch World Cup 2014.
Lahm có 113 lần khoác áo tuyển Đức và được chỉ định làm đội trưởng từ World Cup 2010, sau chấn thương của Michael Ballack. Ở vai trò thủ quân, anh liên tục đưa Đức vào vòng bốn đội ở ba giải đấu lớn liên tiếp, gồm World Cup 2010, 2014 và Euro 2012. Ba năm sau khi chia tay tuyển Đức, Lahm treo giày ở Bayern.
10. Alan Shearer - Anh. Ra mắt đội tuyển vào năm 1992, Shearer nhanh chóng chứng tỏ ông là sự thay thế xứng đáng cho huyền thoại Gary Lineker trên hàng công "Tam Sư".
Không chiến tốt, dứt điểm đa dạng và cực kỳ thính nhạy trong vòng cấm, cựu danh thủ của Newcastle có mọi tố chất để trở thành tiền đạo hàng đầu. Shearer là chân sút số một của Anh ở ba giải đấu lớn, gồm Euro 1996, 2000 và World Cup 1998. Ông giữ băng đội trưởng từ năm 1998 và là chân sút tốt thứ sáu lịch sử tuyển Anh. Sau khi không vượt qua vòng bảng Euro 2000, Shearer chia tay đội tuyển ở tuổi 30.
11. Gerd Muller - Tây Đức. Máy dội bom của "Những cỗ xe tăng" là người giữ kỷ lục ghi bàn trong các vòng chung kết World Cup suốt một thời gian dài.
Ông có 14 pha lập công, trong hai giải World Cup 1970 và 1974. Kỷ lục này tồn tại 32 năm, trước khi bị Ronaldo (Brazil) phá ở World Cup 2006. Thành tích của Muller có thể sẽ tốt hơn, nếu ông không sớm khép lại sự nghiệp quốc tế sau chức vô địch World Cup 1974. Theo Goal, huyền thoại người Đức không hài lòng vì Liên đoàn bóng đá Đức không cho phép vợ các tuyển thủ được tham dự bữa tiệc mừng chức vô địch năm đó.
12. Kevin Prince-Boateng - Ghana. Thi đấu cho Đức ở các cấp độ trẻ như U19, U20 và U21, nhưng Prince-Boateng lại chọn quê hương Ghana để khoác áo đội tuyển, thay vì giữ nguyên như người em Jerome Boateng.
Anh gặp rắc rối về điều này và không kịp dự World Cup 2006. Tới World Cup 2010, Boateng toả sáng và là người dẫn dắt Ghana vào tứ kết. Tuy nhiên, tháng 11/2011, tiền vệ này bất ngờ từ giã sự nghiệp quốc tế ở tuổi 24 mà không nói rõ lý do. Tháng 9/2012, đàn em Andre Ayew nói Boateng có thể suy nghĩ lại về quyết định chia tay. Tháng 10/2013, Boateng trở lại đội tuyển Ghana và anh có tên trong đội hình dự World Cup 2014. Tuy nhiên, trước trận cuối vòng bảng gặp Bồ Đào Nha, Boateng chỉ trích HLV James Appiah và bị đuổi khỏi đội hình. Cuối tháng 6/2014, Boateng nói không bao giờ trở lại đội tuyển nữa.
13. Carlos Roa - Argentina. Roa là thành viên dự Olympic 1992 của Argentina và từng được Man Utd liên hệ để thay thế Peter Schmeichel.
Tuy nhiên, sự nghiệp thi đấu quốc tế của ông chỉ vỏn vẹn trong hai năm, từ 1997 đến 1999. World Cup 1998 là giải đấu đáng nhớ nhất của Roa, khi ông giữ sạch lưới vòng bảng và là người hùng trong loạt sút luân lưu gặp Anh ở vòng 1/8. Tuy nhiên, Roa sớm dừng cuộc phiêu lưu cùng đội tuyển ở tuổi 30. Điều này khiến Argentina gặp khủng hoảng ở vị trí gác đền đến tận bây giờ.
14. Mesut Ozil - Đức. Tài năng của tiền vệ gốc Thổ Nhĩ Kỳ được biết đến từ rất sớm khi anh là ngôi sao chính của Đức vô địch giải U21 châu Âu 2009.
Trong cùng năm, Ozil ra mắt đội tuyển và nhanh chóng chiếm suất đá chính ở các giải đấu lớn sau đó. Anh là nhạc trưởng của hàng tiền vệ Đức, giúp "Những cỗ xe tăng" vô địch World Cup 2014. Tuy nhiên, thất bại ở World Cup 2018 khiến trụ cột của Arsenal bị chỉ trích khi trước giải, anh chụp ảnh chung với Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ. Bức xúc và thất vọng, Ozil tuyên bố không phục vụ Đức ngay sau World Cup 2018, khi chưa bước qua tuổi 30.
Thắng Nguyễn
Ảnh: AP, Reuters.