Tổng hợp lại hành trình 14 năm đối mặt với các rắc rối khi điều hành mạng xã hội lớn nhất thế giới của Zuckerberg, tạp chí Washington Post nhận thấy ông dường như xin lỗi như một thói quen. Sau những hứa hẹn về tăng cường bảo mật, kiểm soát riêng tư, đưa ra các giải pháp minh bạch..., cuối cùng mọi chuyện đâu lại vào đấy.
Tháng 11/2003: Sau khi tạo ra Facemash
Website này đề nghị người tham gia chấm độ nóng bỏng của các nữ sinh, và tất nhiên hành động đó bị nhiều người phản đối dữ dội. Mark Zuckerberg nhanh chóng lên tiếng: "Tôi hy vọng các bạn hiểu là tôi không định vận hành mọi thứ theo cách như thế. Tôi xin lỗi vì bất cứ thiệt hại nào đã gây ra vì sự ngây thơ, xao lãng của mình".
Tháng 9/2006: Sau khi giới thiệu News Feed
Nhiều người dùng cảm thấy không hài lòng khi các cập nhật được tập hợp về một nơi (trên News Feed) và họ không có quyền kiểm soát thông tin. CEO Facebook lại lên tiếng: "Chúng tôi xin lỗi đã làm mọi thứ trở nên lộn xộn khi không giải thích rõ ràng về tính năng mới".
Tháng 12/2007: Sau khi giới thiệu Beacon
Công cụ này cho phép nhà quảng cáo theo dõi hoạt động người dùng cả khi họ đã đăng xuất. "Chúng tôi xin lỗi vì đã ra mắt một sản phẩm như thế. Tôi cảm thấy thật xấu hổ về cách mà công ty xử lý. Mọi người cần biết rõ hơn về những gì họ chia sẻ", Zuckerberg tỏ ra hối lỗi.
Tháng 2/2009: Sau khi giới thiệu điều khoản người dùng mới
Những thay đổi trong điều khoản sử dụng khiến nhiều người nghĩ Facebook đang sở hữu mọi nội dung do các thành viên tạo ra, từ ảnh, video đến status. Facebook vội vàng cải chính: "Những ngày qua, chúng tôi đã nhận được rất nhiều phản hồi và chúng tôi quyết định dùng lại điều khoản cũ".
Tháng 5/2010: Sau khi một lỗ hổng bảo mật được phát hiện
Lỗ hổng này cho phép nhà quảng cáo tiếp cận danh tính của người dùng. "Đôi khi chúng tôi phát triển quá nhanh. Chúng tôi sẽ bổ sung cơ chế quản lý quyền riêng tư, giúp người dùng dễ dàng tắt các dịch vụ bên thứ ba", Facebook cho hay.
Tháng 11/2011: Sau khi Facebook ký thỏa thuận với FTC về bảo vệ dữ liệu người dùng
Mark Zuckerberg giải thích: "Tôi thừa nhận chúng tôi đã mắc nhiều sai lầm. Chúng tôi luôn hứa hẹn sẽ minh bạch về các thông tin mà người dùng lưu giữ trên nền tảng và chúng tôi sẽ xây dựng các công cụ để người dùng kiểm soát những gì họ chia sẻ".
Tháng 7/2014: Gần 700.000 người thành vật thí nghiệm cho Facebook
Facebook sử dụng phần mềm để xác định tính tích cực và tiêu cực trong các status và cố tình để người dùng chỉ nhìn thấy một trong hai loại thông tin. Kết quả cho thấy, những người đọc các cập nhật tích cực thường đăng thông điệp hạnh phúc và ngược lại. Tuy nhiên, hành động của Facebook gây phẫn nộ. "Chúng tôi thành thật xin lỗi. Chúng tôi không định làm tổn thương các bạn", Zuckerberg lại lên tiếng.
Tháng 12/2016: Sau chỉ trích vì tin giả gây ảnh hưởng đến kết quả bầu cử
"Tôi nghĩ Facebook là một công ty công nghệ, nhưng nhận thấy cần có trách nhiệm lớn hơn thay vì chỉ đơn thuần xây dựng công nghệ để truyền tải thông tin", CEO Facebook phân trần.
Tháng 9/2017: Sau cáo buộc về việc người Nga tác động đến bầu cử Mỹ
Mark Zuckerberg đăng lời xin lỗi trên trang cá nhân vì những tác động tiêu cực mà mạng xã hội đã gây ra trên toàn thế giới: "Bằng cách nào đó, Facebook đang được sử dụng để chia rẽ nhiều hơn là kết nối mọi người. Tôi mong được tha thứ và sẽ cố gắng làm tốt hơn".
Tháng 3/2018: Sau bê bối thông tin Cambridge Analytica
"Chúng tôi có trách nhiệm bảo vệ dữ liệu của các bạn. Nếu không thể, chúng tôi không xứng đáng phục vụ các bạn. Tôi thực sự xin lỗi vì những gì đã xảy ra", Zuckerberg nói trên kênh CNN.
Tháng 4/2018: Khi chuẩn bị điều trần trước Quốc hội Mỹ
"Đây là lỗi của tôi, tôi rất lấy làm tiếc. Chúng tôi có thể làm nhiều hơn thế để giới hạn thông tin các nhà phát triển có thể tiếp cận và ngăn chặn việc bị lợi dụng", CEO Facebook nhấn mạnh.