Chị Linh Lanzadoro, 42 tuổi, sinh ra và lớn lên ở Cà Mau, đang có một cuộc sống bình yên bên người chồng hơn chị 19 tuổi và con gái Emma, 11 tuổi, tại thành phố Portland. Để có được 2 nhà hàng khá lớn ở thành phố, và cuộc sống không phải lo lắng đến chuyện tài chính như hôm nay, anh chị đã có những tháng ngày vất vả, cùng nhau cố gắng, tất bật từ sáng sớm tới tối khuya.
Dưới đây là chia sẻ của chị Linh về những nỗ lực của chị suốt 14 năm qua, từ những ngày đầu tiên đặt chân lên xứ người:
Tôi quen anh năm 2003, khi đó tôi đang làm quản lý cho công ty gạch có chi nhánh ở Đồng Nai, anh Enzo được mời về làm cố vấn sắp xếp một dây chuyền sản xuất gạch sang Mỹ (vì anh có công ty ở đây). Tôi làm phiên dịch và trợ giúp cho anh những ngày ở Việt Nam. Tôi bị cuốn hút bởi sự chững chạc, lịch sự từ anh, dù hôm đó anh đi cùng hai chàng trai trẻ khác.
Thời gian làm việc chung khiến chúng tôi dần nảy sinh tình cảm với nhau. Bố mẹ tôi ban đầu phản đối kịch liệt vì anh lớn hơn tôi nhiều tuổi, lại từng đổ vỡ hôn nhân một lần. Nhưng rồi thấy tôi vui vẻ, được anh chiều chuộng và thấy sự chân thành từ anh nên bố mẹ tôi dần đồng ý.
Đám cưới nhỏ của chúng tôi tổ chức vào tháng 3/2004. Khoảng gần hai năm sau, hai đứa quyết định chuyển ra chi nhánh ở Huế. Thấy tôi đam mê kinh doanh, anh mở một cửa hàng chuyên bán bánh pizza cho tôi quản lý. Vốn là người thích nấu ăn và tay nghề khá ổn, nên anh truyền nghề cho cậu nhân viên, để khi nào anh bận vẫn có người làm cho khách. Cửa hàng buôn bán rất tốt, nhưng chỉ mở được khoảng hơn nửa năm, tôi đành nhượng lại cho người khác để theo chồng sang Mỹ cuối năm 2006.
Những ngày đầu sang đây, chồng đi làm cả ngày, ở nhà buồn nên tôi lang thang đi tìm việc. Tôi bước vào một tiệm giặt ủi và xin được đi làm ngay. Ngày hôm sau, tôi háo hức đến, cố gắng làm tốt mọi thứ có thể. Nhưng vì lúc đầu chưa quen, làm còn lóng ngóng, nên ông chủ người Đài Loan cho tôi nghỉ việc luôn. Dù tôi đã cố gắng xin được chỉ dạy thêm nhưng vẫn không có kết quả.
Trên đường đi bộ về nhà, tôi quyết định vào một siêu thị và xin vào làm thu ngân. Nhưng vì không có sơ yếu lý lịch, hay bất cứ một giấy tờ, chứng chỉ nào nên họ từ chối. Tôi về nhà buồn thê thảm, than với chồng sao ở đây tìm việc khó thế.
Chồng ôm tôi vào lòng và nói, em mới sang chưa hiểu hết về cách làm việc tại đây. Em cần có sơ yếu lý lịch mới tìm được việc, cho dù em có xin đi rửa chén cho nhà hàng hay đi cắt cỏ. Anh nói tôi không cần phải đi làm, tiền lương của anh thoải mái cho hai vợ chồng. Nhưng tôi vẫn chưa từ bỏ ý định tìm việc của mình. Một phần tôi không muốn sống dựa vào anh, phần vì tính tôi luôn tay luôn chân và muốn được học hỏi, khám phá những cái mới lạ.
Và thế là theo gợi ý của chồng, tôi đi học thêm ngoại ngữ, xin giấy an ninh xã hội, học làm nail, thi lấy bằng lái xe... để sau này có thể tìm việc dễ hơn. Khi sinh con được khoảng 3 tháng, tôi đã gửi con đến nhà trẻ để đi làm tại một nhà hàng của bạn chồng. Công việc của tôi là hướng dẫn cách pha chế cho nhân viên. Trước khi sang Mỹ, tôi từng theo học khóa pha chế đồ uống nên công việc này cũng tương đối dễ dàng. Làm ở đây được vài tháng, tôi nghỉ việc vì xa nhà quá, ít có thời gian với con.
Tôi quay trở lại siêu thị đợt trước đã xin việc. Lúc này trong tay đã có một số giấy tờ, chứng chỉ nên tôi được nhận vào. Tôi làm việc 8 tiếng/ngày với mức lương khoảng 8 đôla 50 cent, nếu làm tốt họ tự tăng thêm cho 25 cent hoặc hơn. Những ngày đầu tiên làm ở đây, chân tôi đau mỏi vì phải đứng quá nhiều, đầu óc quay mòng mòng vì suốt ngày đứng trong khoảng không gian ngập hàng hóa. Về nhà tôi nằm vật ra giường, mọi công việc nấu nướng, chăm con khi đó chồng đảm nhiệm, dù anh cũng đi làm.
Nhưng tôi thích ứng khá nhanh với môi trường mới. Tuần nào tôi cũng đi làm đủ từ 38 đến 40 tiếng, nên được quản lý rất quý. Sinh ra trong một gia đình nghèo ở Cà Mau, đã nếm trải nhiều vất vả, nên những việc này không làm khó được tôi.
Làm ở đó được vài tháng, lúc này tôi đã có quốc tịch Mỹ, thấy bưu điện thành phố tuyển người nên tôi đánh liều nộp đơn xin vào với tiêu chí là "thi để cọ sát". Người thi tuyển phải trải qua 2 vòng thi, làm bài kiểm tra và phỏng vấn. Sau khi vượt qua bài test vài trăm câu, tôi bước vào phòng phỏng vấn với 65 người khác. 5 giám khảo sẽ "xoay" thí sinh như chong chóng để chọn ra đúng 5 người. Có lẽ vì tôi đi thi với tâm trạng thoải mái, không đặt nặng việc hơn thua, lúc nào cũng với quyết tâm không ngại khó ngại khổ nên được chấp nhận.
Khỏi phải nói, tôi vui sướng đến mức độ nào. Làm ở đây nhân viên sẽ được hưởng nhiều ưu đãi vì là người của nhà nước, được đóng bảo hiểm, nghỉ phép... Sau này về già lương hưu sẽ khá cao, nhàn nhã, không phải lo đến chuyện tiền nong. Công việc của tôi khi đó là phân thư để bưu tá mang đi phát khắp nơi.
Dù vậy, làm ở đây chỉ được khoảng nửa năm tôi đã xin nghỉ việc. Tôi muốn thử thách mình ở một môi trường khác, chứ không muốn an nhàn, buồn chán như vậy. Khi đó, chồng tôi cũng quyết định giao công ty sản xuất gạch cho cậu con trai lớn, con riêng của anh, để cùng tôi bước vào một con đường mới, mở nhà hàng ăn. Chồng là người Italy, nấu đồ ăn rất ngon, còn tôi có kinh nghiệm làm bánh ngọt, nên chúng tôi chia nhau mỗi người một mảng, chuyên về các món ăn truyền thống miền nam Italy.
Cửa hàng đầu tiên ra đời năm 2009 với biết bao khó khăn. Ngày nào cũng vậy, cứ 5 giờ sáng, anh đã dậy đi chợ, chọn những nguyên liệu tươi về để chế biến. Tôi cặm cụi dọn cửa hàng rồi làm bánh, rồi tất bật đi lo giấy tờ, giấy phép kinh doanh. Bên này, để mở một cửa hàng, ban quản lý thị trường và ban an toàn thực phẩm tới kiểm tra rất gắt gao, phải đủ tiêu chuẩn mới được phép bán hàng. Cứ như vậy, hai vợ chồng túi bụi ở cửa hàng tới 10, 11 giờ đêm mới về.
Khi mới mở khách đông lắm, họ đến vì tò mò và muốn thử món ăn mới. Chúng tôi chưa quen với việc phục vụ một lượng khách lớn như vậy nên lúng túng từ trong bếp tới việc tiếp đón khách. Nhiều người phàn nàn là thức ăn đợi lâu, phục vụ chạy như gà, rồi họ đánh giá một sao... Chúng tôi phải ngồi lại, bàn ra cách sắp xếp mọi việc khoa học, hướng dẫn nhân viên tiếp khách lịch sự. Món ăn cũng phải thử qua nhiều công thức mới cho ra được những suất ăn ngon lành. May mắn là sau những ngày đầu khó khăn, chúng tôi dần dần có nhiều khách hơn. Tôi dần rút ra khỏi việc làm bếp, chuyên về quản lý, thu chi.
Cửa hàng tôi được khách hàng đánh giá 4,5 sao và có tên trên nhiều website du lịch có tiếng. Năm 2015, hai vợ chồng tôi mở tiếp một cửa hàng thứ hai chuyên về các loại, rượu bia Mỹ. Song song với việc chăm sóc hai cửa hàng, tôi còn đổ buôn nhiều đồ từ châu Âu, châu Mỹ về Việt Nam. Tôi luôn muốn thử sức làm nhiều thứ, nhiều việc để biết sức mình đến đâu.
Năm vừa rồi, chồng tôi vẫn muốn mở thêm một cửa hàng nữa, nhưng tôi không đồng ý vì tôi muốn chúng tôi sẽ có nhiều thời gian hơn cho gia đình, cho cô con gái 11 tuổi. Nhìn anh tất bật bao năm qua, tôi thấy yêu và thương anh vô hạn. Dù công việc bận rộn, nhưng anh vẫn không quên tặng hoa mỗi khi tôi buồn, đưa tôi đi khắp nơi và chăm sóc, chiều tôi như ngày đầu mới quen. 14 năm trước, hay bây giờ, anh luôn cho tôi cảm nhận tình yêu nồng thắm như thủa ban đầu.
Đến ngày hôm nay, tôi mãn nguyện với cuộc sống hiện tại, đặc biệt về người đàn ông bên cạnh mình. Mỗi khi dẫn tôi đi ra ngoài, anh đều hào hứng giới thiệu với mọi người "Đây là Linh, vợ của tôi, tình yêu của tôi". Khi tôi hỏi anh thích nói về tôi với mọi người lắm à, anh luôn trả lời "Vì em là niềm tự hào của anh"... Với một người phụ nữ, một người mẹ, một người vợ, bạn cần gì hơn thế.
Linh Lanzadoro