Khuya đầu năm 2009, anh Hoàng, 37 tuổi, nhận được cuộc gọi của chị gái trực y tế trên đỉnh đèo Lò Xo thông báo vừa xảy ra tai nạn nghiêm trọng (ôtô tải chở mì lao xuống cầu đôi xã Đăk Man) cách nơi anh ở khoảng 3 km.
Vừa mổ ruột thừa được một tuần, song anh Hoàng không do dự, lật đật cầm rựa, đèn pin chạy xe máy vào hiện trường. Trong đầu anh luôn cầu mong mọi chuyện không như những lời mô tả trong điện thoại của chị gái.
Đến nơi rất đông cảnh sát và người dân ở đó. Dưới vực sâu khoảng 100 m, đầu ôtô tải bẹp dúm, hàng tấn bột mì vùi lấp cabin. Anh Hoàng nhanh chóng tiếp cận, cùng mọi người nỗ lực dọn đống nông sản ra khỏi buồng lái. Khoảng 30 phút sau, tài xế và phụ xe được đưa ra ngoài, song họ đã chết do ngạt thở.
"Lúc đó, tôi đã đuối sức, nhưng vẫn cố gắng cõng các thi thể lên trên đường", Hoàng nhớ lại và cho biết cảnh tượng đó khiến anh luôn dằn vặt "nếu đến hiện trường sớm hơn, có lẽ mọi chuyện sẽ khác".
Đèo Lò Xo nằm trên quốc lộ 14, dài 37 km, qua huyện Đăk Glei (Kon Tum) và huyện Phước Sơn (Quảng Nam). Cung đường dốc, hiểm trở với nhiều vực thẳm, núi cao, trở thành nỗi ám ảnh của các tài xế.
Biệt danh Hoàng Lò Xo thành quen thuộc với giới tài xế qua đèo sau hơn 14 năm anh tham gia cứu nạn. Hoàng dựng quán sửa xe trên đỉnh đèo cách trạm CSGT vài chục mét để dễ nhận thông tin khi tai nạn. "Điện thoại tôi không bao giờ tắt máy. Dù tai nạn lớn hay nhỏ tôi đều cố gắng có mặt sớm nhất", anh nói, cho biết các tài xế hay báo tin cho anh khi sự cố.
Từng chứng kiến và ứng cứu nhiều vụ tai nạn thảm khốc, anh cho biết ám ảnh nhất là vụ ôtô khách chở 31 người lao xuống vực năm 2015. Khi đến hiện trường, trước mắt anh ôtô khách nằm dưới vực sâu hơn 80 m, đầu xe dính chặt vào gốc cây, vỡ nát.
Hành khách trong xe hoảng loạn, nhiều người dính đầy máu me, liên tục kêu cứu. Anh tiếp cận, dùng búa đập vỡ kính xe, cùng lực lượng chức năng lần lượt đưa họ ra ngoài. Những người bị thương nặng, anh cõng lên đường. Cuộc giải cứu kéo dài gần 3 giờ, một khách tử vong, số bị thương nặng được cấp cứu kịp thời.
"Không hiểu động lực nào khiến tôi mạnh mẽ hơn, chẳng biết mệt. Cõng người này xong đến người khác, leo lên vực một cách nhẹ nhàng", anh Hoàng kể và cho biết mỗi lần về nhà trong bộ áo quần tanh hôi, đầy máu me vợ đều khuyên đừng "vác tù và hàng tổng", nhưng mỗi khi nghe tin tai nạn, anh không thể không chạy ra hiện trường.
Kinh nghiệm nhiều năm tham gia cứu hộ, anh cho biết không được nóng vội. Dù trong xe có người mắc kẹt, anh chỉ được đứng bên ngoài tìm cách đưa từng nạn nhân ra, bởi nếu cứ xông vào sẽ làm người bị thương trên xe thêm đau đớn. Đồng thời, khi cứu hộ phải mang đầy đủ dụng cụ cần thiết.
Thấy việc làm ý nghĩa của anh Hoàng, năm 2017, anh Ngô Quang Quyết cùng tham gia và lập Đội SOS đèo Lò Xo, với 8 thành viên (26-40 tuổi), đều làm nghề sửa xe, thợ điện, buôn bán nhỏ trên đỉnh hoặc dưới chân đèo. Đến nay, Facebook nhóm có 12.000 thành viên, đa số là tài xế, người dân.
Phương châm của đội là đến hiện trường nhanh nhất để cứu người gặp nạn trên đèo. Đội cũng dùng mạng xã hội cảnh báo về những đoạn đường bị sạt lở, ùn tắc giao thông, điểm đen nguy hiểm trên đèo... Số điện thoại của đội SOS đèo Lò Xo luôn được in khắp các vách đá, lan can để người dân liên hệ khi có sự cố.
Theo nguyên tắc của nhóm, bất kể lúc nào, khi nghe thông tin tai nạn trên đèo, ai ở gần hiện trường nhất sẽ đến trước hỗ trợ lực lượng chức năng đưa nạn nhân đi cấp cứu và thu gom hàng hóa. "Mình đến nhanh một giây thì cơ hội sống của nạn nhân sẽ nhiều hơn, họ cũng sẽ bớt đau đớn hơn", một thành viên của đội nói.
Mới đây vào tháng 2, gia đình 4 người đi trên ôtô con, bị xe tải chạy ngược chiều đè. Sau hơn 30 phút cắt nóc, đội đưa được 4 nạn nhân ra ngoài. Tuy nhiên, 2 bố con trong ôtô đã tử vong. Hai mẹ con được cứu sống. "Mới đầu, mình cũng sợ, nhưng khi thấy các anh trong đội lao vào hiện trường để cứu người thì mình cũng bớt sợ và cùng tham gia", Hồ Đắc Diện (29 tuổi, sửa chữa điện ôtô), nói.
Nhận thấy những hoạt động ý nghĩa đội, một doanh nghiệp đã trao tặng một số trang bị cứu hộ giao thông như bộ đàm, gậy cảnh báo, biển báo, áo mưa phản quang, cáp tời xe, cáp kéo người, túi cứu thương, kìm thủy lực, máy hơi...
Ngoài cứu hộ, đội còn vận động nhà hảo tâm tặng quà, quần áo, nhu yếu phẩm cho các hộ khó khăn, nhận nuôi nhiều trẻ mồ côi và xây 3 cầu treo trên địa bàn huyện. Mỗi khi bão lũ, đội cũng đến các vùng sạt lở giúp dân dọn bùn đất, thông đường...
Huyện Đăk Glei đã có nhiều giấy khen vinh danh, động viên các thành viên vì thành tích cứu hộ, cứu nạn trên đèo Lò Xo. Năm 2020, đội được Chủ tịch UBND tỉnh Kon Tum tặng bằng khen vì hỗ trợ, cứu người gặp nạn.
Trần Hóa