Trong số này có tất cả thành viên của G20, tức bao gồm cả Trung Quốc và Ấn Độ. Trước đó, kế hoạch này đã đạt được sự nhất trí của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) và G7, với nội dung chính là các tập đoàn phải trả mức thuế tối thiểu 15% tại quốc gia họ có doanh thu, chứ không chỉ nộp thuế tại quốc gia nơi họ đặt trụ sở chính như hiện tại.
OECD đang chủ trì các cuộc đàm phán này. Họ ước tính rằng các chính phủ mất doanh thu từ 100 tỷ đến 240 tỷ USD mỗi năm do việc các tập đoàn tìm cách tránh thuế. "Sau nhiều năm làm việc và đàm phán căng thẳng, kế hoạch lịch sử này sẽ đảm bảo rằng các công ty đa quốc gia lớn sẽ nộp thuế một cách công bằng ở mọi nơi", Tổng thư ký OECD Mathias Cormann cho biết.
Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen gọi đây là "một ngày lịch sử đối với ngoại giao kinh tế". "Thỏa thuận hôm nay (1/7) của 130 quốc gia chiếm hơn 90% GDP toàn cầu là một dấu hiệu rõ ràng: Cuộc đua xuống đáy còn một bước nữa là kết thúc", bà tuyên bố.
Một số chi tiết của kế hoạch vẫn chưa chốt. Tuy nhiên, 130 chính phủ đã đồng ý hướng đi cơ bản rằng phải đánh thuế ở nơi lợi nhuận được tạo ra. Điều này đảo ngược nguyên tắc lâu đời của hệ thống thuế quốc tế là đánh thuế lợi nhuận ở nơi doanh nghiệp hiện diện vật lý, tức đóng trụ sở.
Một số quốc gia ở châu Âu tiếp tục phản đối mức thuế tối thiểu, cho rằng nó sẽ làm mất đi một công cụ thu hút đầu tư nước ngoài. Trong đó bao gồm Ireland - là trụ sở chính ở châu Âu của hầu hết công ty công nghệ lớn của Mỹ - cũng như Hungary và Estonia. Ngoài ra, một số nước khác cũng không đồng ý, bao gồm Nigeria - quốc gia đông dân nhất châu Phi - cùng Kenya, Peru và Sri Lanka.
Các nhà đàm phán hy vọng rằng kế hoạch chi tiết sẽ nhận được sự ủng hộ của các nhà lãnh đạo G-20 tại hội nghị thượng đỉnh vào tháng 10 tới, để việc thực thị có thể diễn ra vào năm 2023.
Bước đột phá này diễn ra sau những ngày vận động hành lang căng thẳng của các quan chức chính phủ từ G7. Hôm thứ ba (29/6) bà Janet Yellen đã có cuộc gọi để kêu gọi sự ủng hộ của Bộ trưởng Tài chính Ấn Độ Nirmala Sitharaman.
Các cuộc đàm phán về thuế bắt đầu từ năm 2013, khi các chính phủ bắt đầu tìm cách hạn chế việc tránh thuế của các gã khổng lồ kỹ thuật số, khi họ có thể bán sản phẩm và dịch vụ xuyên biên giới mà không cần đặt trụ sở tại các quốc gia. Đến nay, các công ty công nghệ lớn cũng ủng hộ kế hoạch này, vì nó có thể giúp họ tránh được việc một số nước như Pháp và Anh tự ý lập ra quy định đánh thuế.
Các cuộc thảo luận về kế hoạch tăng thuế đã bị đình trệ trong những năm cuối của chính quyền Trump, nhưng đã nhận được động lực mới vào tháng 4, khi bà Yellen trình bày các đề xuất mới và nhanh chóng nhận được sự ủng hộ của các thành viên còn lại trong G7.
Câu hỏi hóc búa nhất trong các cuộc đàm phán là việc tập trung đánh thuế các đại gia công nghệ Mỹ. Tuy nhiên, chính quyền Biden từ chối một thỏa thuận chỉ tập trung vào các công ty công nghệ vì cho rằng điều này là phân biệt đối xử và lỗi thời, do tính chất kỹ thuật số ngày càng tăng của hầu hết các lĩnh vực. Vì vậy, 130 chính phủ đã đi đến đồng ý áp dụng chính sách cho bất kỳ doanh nghiệp lớn nào có doanh thu toàn cầu từ khoảng 24 tỷ USD và tỷ suất lợi nhuận ít nhất 10%.
Phiên An (theo WSJ)