"Tiếp theo sẽ là gì ạ?!"
Tháng 3 năm 2020, vài tuần trước khi virus corona hoành hành nước Mỹ, tôi và ba con trai nhỏ chen đến Trung tâm Hội nghị Washington để tham dự hội nghị chính sách của Ủy ban các vấn đề Israel-Mỹ (AIPAC). Tôi muốn chúng thấy công nghệ có thể giúp giải quyết những vấn đề nan giải nhất trên thế giới như thế nào, từ những tiến bộ đột phá trong bảo tồn nguồn nước đến những phương pháp mới lạ để tái chế nhựa. Bạn biết đấy, kiểu những thứ trẻ nhỏ yêu thích.
Khi lang thang trong đám đông, chúng tôi tình cờ gặp Eli Beer, bạn tôi và là nhà sáng lập United Hatzalah, tổ chức phi lợi nhuận của Israel đã cách mạng hóa dịch vụ y tế khẩn cấp. Hầu như không có ai trên đời khiến tôi ngưỡng mộ hơn Eli. Trong 20 năm qua, Eli tập hợp các kỹ thuật viên cấp cứu tình nguyện - người Do Thái, người theo đạo Cơ đốc và đạo Hồi, cùng nhiều nhóm người khác - để cứu sống hàng nghìn người. Một trong những sáng kiến tuyệt vời nhất của anh là ứng dụng giống như Uber giúp kết nối bất kỳ ai cần cấp cứu với kỹ thuật viên cấp cứu gần đó. Những kỹ thuật viên cấp cứu tình nguyện này thường di chuyển bằng "xe cứu thương hai bánh", những chiếc xe máy được "độ" lại với chức năng của xe cứu thương mini, đủ nhanh nhẹn để len lỏi qua dòng xe cộ. Eli và những người đồng hành đã giúp cắt giảm đáng kể thời gian đưa những người cần cấp cứu đến bệnh viện ở Israel và nhiều nơi khác. (Chúng tôi hoàn toàn không ngờ bản thân Eli sẽ sớm rơi vào hoàn cảnh nguy kịch đó, khi không lâu sau cuộc gặp của chúng tôi, chính anh bị COVID-19 đe dọa tính mạng).
Các con tôi ôm chầm lấy Eli và anh chỉ cho chúng tôi xem gian hàng của mình. Cả ba đứa - Eiden, Oren và Yaniv - đeo kính thực tế ảo trải nghiệm cảm giác được là tình nguyện viên của United Hatzalah. Nhìn khuôn mặt bọn trẻ bừng sáng, tôi ngập tràn lạc quan không chỉ về tương lai mà còn về khả năng công nghệ có thể giúp thế giới trở nên tốt đẹp hơn. Cậu cả Eiden nói: "Khi lớn lên, con không muốn lái xe hơi. Con muốn lái xe cứu thương hai bánh đi cứu người".
Tôi không thể tự hào hơn. Khi chúng tôi rời đi, cậu con thứ Oren nắm lấy tay tôi và kéo tôi ghé gần mặt. "Tiếp theo sẽ là gì hả ba?"
Đương nhiên cháu không có ý hỏi về kế hoạch buổi chiều của chúng tôi.
Vài tuần sau, tôi và các con bị cách ly cùng nhau quanh màn hình ti vi trong phòng khách. Tàu vũ trụ của SpaceX chuẩn bị phóng lên quỹ đạo từ bệ phóng 39A tại Trung tâm Vũ trụ Kennedy. Bọn trẻ há hốc mồm nhìn người phụ trách ra lệnh: "Ba, hai, một, phóng". Chúng tôi liên tục theo dõi con tàu trong suốt 19 giờ khi nó lao về phía Trạm Vũ trụ Quốc tế (ISS). Khi tàu Crew Dragon đáp bến và các phi hành gia tươi cười bước ra khỏi khoang tàu, họ đã làm nên lịch sử: Đó là tàu vũ trụ tư nhân đầu tiên đáp xuống ISS, chở hàng hóa theo thỏa thuận thương mại với NASA.
"Tiếp theo sẽ là gì ạ?!", Oren lại hỏi. Các con tôi thậm chí còn háo hức muốn tôi cho chúng biết tương lai sẽ ra sao và các nhà khoa học và đổi mới hiện đang làm gì để giải quyết những vấn đề đáng sợ nhất của Trái Đất. Tôi kể cho chúng nghe câu chuyện về những nhà phát minh yêu thích Star Trek dùng công nghệ in 3D để tạo ra tàu vũ trụ ngay trên quỹ đạo, những nhà nghiên cứu ăn chay thuần tái tạo thành phần và cấu trúc hóa học của thịt trong phòng thí nghiệm, và những nhà bác học điên cứu con người khỏi những căn bệnh rối loạn khủng khiếp bằng cách cắt dán gen như thể cắt dán các chữ cái trong Microsoft Word. Sau đó, để thỏa mãn trí tò mò của chính mình cũng như của các con, tôi chợt thấy mình đang tìm thêm nhiều ví dụ nữa. Ai là những nhà đổi mới sáng tạo ấn tượng nhất hiện nay, những người đang định hình lịch sử của tương lai?
Hiện tại, khi bị nạn đói, ô nhiễm và tình trạng nóng lên toàn cầu đe dọa, loài người đang ở giai đoạn nguy cấp, tiến gần hơn bao giờ hết đến viễn cảnh tự đưa mình đến chỗ diệt vong. Nhưng chúng ta cũng đang trong thời đại dồi dào nhân lực vật lực - nhất là của cải - tạo điều kiện phát triển những sáng kiến đổi mới cho phép chúng ta thay đổi vận mệnh một cách cơ bản: Chữa bệnh cho người ốm, xóa đói, giảm nghèo và hàn gắn hành tinh.
Cuốn sách kể về 13 sáng kiến mang tính đột phá, có thể đưa loài người chúng ta từ xã hội của những kẻ nhận sang xã hội của những người cho. Hãy gọi đó là Nhân loại 2.0. Mỗi dự án được miêu tả ở các trang tiếp sau đây - cùng các ý tưởng và những người thực hiện đứng đằng sau - đã có tác động to lớn đối với lịch sử nhân loại. Trong các thập kỷ tới, những gì diễn ra tiếp theo sẽ tùy thuộc vào khả năng ngày càng tăng của chúng ta trong việc tận dụng tư duy cấp số nhân để mang lại những đổi mới thực sự phi thường, vượt xa sức tưởng tượng hiện tại của chúng ta - những công nghệ nếu được sử dụng vì cái thiện sẽ cho phép chúng ta làm cho thế giới trở nên tốt đẹp hơn rất nhiều.