![]() |
Khoảng 200 người liên quan được triệu tập, nhưng khi tuyên án chỉ còn vài người ở lại. Ảnh: Trà Bang |
Trong phiên tranh tụng sáng 29/4, các luật sư bào chữa cho bị cáo yêu cầu làm sáng tỏ chất lượng của móc nối toa tàu để làm rõ nguyên nhân xảy ra tai nạn, theo điều 10 Luật tố tụng hình sự. Tuy nhiên, lời đề nghị này, cùng các lời yêu cầu trước đó như làm rõ sự mâu thuẫn về xuất xứ thiết bị móc đấm mà đại diện Tổng công ty đường sắt đã khai trước toà, vẫn không được HĐXX chấp nhận.
Về chiếc móc đấm nối toa số 3 mà luật sư nghi ngờ không đảm bảo chất lượng, thẩm phán chủ toạ Bùi Đức Hiệp trả lời, thiết bị đã được giám định bởi Viện khoa học hình sự Bộ Công an. Đơn vị này kết luận: "Vết gãy trên phần lưỡi móc đầu đấm thu tại toa xe 31555 bị tai nạn ngày 12/3/2005 có đặc điểm gãy do quá tải (phù hợp với hậu quả của vụ tai nạn)".
Theo luật sư Tôn Nữ Thu Hà, kết quả này vẫn chưa thể nói lên điều gì, bởi mang tính chung chung. Bà Hà phân tích, khi ngành đường sắt không có các hồ sơ kỹ thuật hợp pháp để đối chứng thì từ căn cứ gì Viện khoa học hình sự có thể đưa ra kết luận. "Đấy là chưa nói đến việc, kết luận không đề cập đến 2 múi hàn, một vết rỗng có tại đầu đấm là nguyên nhân do đâu. Chúng có ảnh hưởng như thế nào đến chất lượng thiết bị. Thiết bị kém chất lượng, liệu có phải là nguyên nhân dẫn đến vụ tai nạn hay không? Theo nhiều lái tàu khác, họ vẫn chạy quá tốc độ ở đoạn đường đấy nhưng lại không xảy ra tai nạn?”, luật sư đặt vấn đề.
Căn cứ “bửu bối” là biên bản giám định móc nối của Viện khoa học hình sự, HĐXX nhận định, trong vụ tai nạn lật tàu, lỗi thuộc về lái chính và lái phụ. Toà tuyên phạt, bị cáo Bùi Thái Sơn, Hà Minh Tâm mức án lần lượt 13 và 7 năm tù về tội vi phạm các quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường sắt.
Đền bù dân sự chưa thoả đáng
Trong một diễn biến khác, đại diện người bị hại và bị hại có mặt tại phiên toà đã bất bình với bản luận tội của VKS. Theo đó, cơ quan công tố đã dồn trách nhiệm lên hai lái tàu mà không xét đến những vấn đề nghi vấn được luật sư nêu tại phiên toà. Nhóm bị hại gồm 11 người đến từ Đà Nẵng đã bỏ về quê ngay sau khi toà kết thúc ngày xét xử thứ 3.
![]() |
Chủ toạ trả lời bị hại nếu không đồng ý mức bồi thường, họ hãy làm đơn kháng cáo. Ảnh: Trà Bang |
Trong lúc toà tuyên án, phần lớn người bị hại đã uể oải đứng dậy ra về, chỉ còn lại khoảng 5 bị hại cùng đại diện ngành đường sắt, bị cáo, công an, gia đình bị cáo và... nhà báo. Trước phòng xử án, bà Phạm Thị Hồng Vinh (trú tại số 4 Hà Trung, Hà Nội, thân nhân người tử nạn) nói: "Con gái tôi mất để lại đứa con mới 6 tuổi nhưng toà phán quyết ngành đường sắt hỗ trợ tiền nuôi dưỡng 200.000 đồng/tháng. Chừng đấy tiền, có đủ để mua sách vở cho cháu hay không?”. Ông Nguyễn Đức Quân (gia đình có 4 người tử nạn) cũng bức xúc: "Từ ngày xảy ra tai nạn đến nay, chúng tôi chỉ mới nhận được tiền đền bù của bảo hiểm, còn ngành đường sắt chẳng thấy đâu. Toà xử đền bù thấp quá, chúng tôi không đồng ý”.
Phiên xử kết thúc bằng việc bị hại còn lại ở phiên toà vây lấy chủ toạ để hỏi về mức đền bù. Gia đình bị cáo Bùi Thái Sơn và Hà Minh Tâm cho biết sẽ kháng cáo.
Trà Bang