Trong con ngõ nhỏ trên phố Bùi Ngọc Dương, phường Bạch Mai, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội, cuộc sống bình dị của cô thợ may cùng anh công an nghèo và cậu con trai bé nhỏ vẫn luôn hạnh phúc dù thiếu thốn. Năm 2002, tôi phát hiện mình bị bệnh tiểu đường, cuộc sống vốn đã khó khăn lại càng khó khăn hơn, dù bệnh nhưng vì cơm áo nên tôi vẫn phải làm việc nhiều giờ trong ngày, tranh thủ vừa làm, vừa xem các thông tin sức khỏe trên truyền hình để có thêm kiến thức về phòng và chữa bệnh. May mắn thay, tôi tìm và học yoga, nhờ nó mà tôi thấy sức khỏe của mình tốt lên rất nhiều.
Vào một ngày cuối năm 2006, trong một lần tập Yoga, bàn tay tôi ép vào bụng thấy có xuất hiện những cơn đau nhói. Lắng nghe cơ thể, tôi có cảm giác cơn đau này không bình thường nên hai vợ chồng đèo nhau đi viện khám. Sau khi làm các xét nghiệm và chụp chiếu, bác sĩ kết luận tôi bị ung thư đại tràng giai đoạn 4 và chỉ định chuyển lên Bệnh viện K Trung ương. Trời đất lúc đó như tối đen, chân tay rụng rời, tôi gần như suy sụp hoàn toàn.
Mới nhập viện hai ngày, bác sĩ đã tiến hành đại phẫu cắt bỏ 25 cm đại tràng và sau 16 ngày, tôi được bác sĩ cho về điều trị tại nhà vì sức khỏe chưa đảm bảo để tiếp tục phác đồ điều trị hóa chất tiếp theo, nếu không may phải đi thì cũng được ra đi trong chính căn nhà của mình.
Vào buổi sáng mùa đông năm ấy, trời rét như cắt da cắt thịt, hai vợ chồng vào viện kiểm tra lại, thật không ngờ tôi đã đủ điều kiện sức khỏe để tiếp tục phác đồ điều trị bằng hóa chất. Cứ thế, 5 giờ sáng hàng ngày anh chở tôi lên viện, đợi bác sĩ cắm kim truyền cho vợ xong mới quay về đưa con đi học, sau đó anh đi làm. Vì vừa bị tiểu đường, vừa bị ung thư nên tôi luôn được bố trí cho truyền hóa chất sớm tránh bị sốc thuốc và giúp hiệu quả hơn.
Nửa năm truyền hóa chất cũng đã qua, những lúc tôi bị sốc, khó thở, tim đập rối loạn anh lo lắng vô cùng và luôn miệng nói: "Giá như anh đau đỡ được cho em". Hồng cầu, bạch cầu bị suy giảm, cơ thể gầy rộc, tóc rụng hết, da sạm đi nhưng nhờ những câu nói của anh, tôi tự nhủ mình cần phải mạnh mẽ hơn.
Mắc song song hai căn bệnh nên chế độ điều trị của tôi khó khăn hơn rất nhiều, may mắn cho tôi vì có một người chồng luôn yêu thương vợ con và biết lo lắng mọi việc. Tôi thấy ánh mắt xót xa của anh khi động viện vợ hút từng ống hút cháo qua khe miệng vì hóa chất gây lở miệng lưỡi. Thực đơn trong quá trình điều trị hóa chất của tôi được anh nấu gồm: gạo, khoai tây, cà rốt, rau củ, thịt bò và món cháo trai một tuần ăn hai lần. Nhờ vậy mà những đợt truyền hóa chất sau, tôi không còn phải kích bạch cầu, hồng cầu.
Những ngày điều trị ở viện đã qua, trở về với căn nhà nhỏ, nằm trên giường tôi tập thở và thỉnh thoảng đi bộ ra công viên với bộ tóc giả. Nhìn mọi người tập luyện, lòng tôi lại ước sao mình có thể được như mọi người, sức khỏe thực sự vô cùng quý giá. Cũng vì hay lui tới công viên nên tôi tình cờ biết đến khí công, sau 3 năm học khí công tôi được gặp thầy Nguyễn Văn Thắng, võ sư, bác sĩ của Bệnh viện Thanh Nhàn, võ sư Bùi Mạnh Tưởng và võ sư Nguyễn Anh Duy đã chỉ bảo cho tôi cách thở, các bài vận công giúp tôi phục hồi.
Từ đó, sức khỏe tốt lên và tôi có thể làm những việc mình thích như đạp xe đến thăm những người đồng bệnh để cùng nhau tập yoga và tập thở. Tôi biết chỉ có niềm tin và nghị lực mới giúp mình vượt qua cơn bạo bệnh, với những suy nghĩ tích cực cơ hội chiến thắng bệnh có thể lên đến 70%. Những ngày luyện tập cùng nhau, tôi trở thành giáo viên dạy yoga từ khi nào cũng không hay và được liên đoàn Yoga Việt Nam công nhận là một trong những huấn luyện viên yoga đầu tiên.
Cuối năm 2013, có duyên biết đến Thiền năng lượng của thầy Mai Văn Như, tôi cảm thấy trong mình ngập tràn năng lượng, sức khỏe tốt lên rất nhiều. Đến hiện tại, đã 6 năm đồng hành với thiền năng lượng, nó đã cho tôi sức khỏe, niềm tin, sự mạnh mẽ và nghị lực sống.
Giờ đây, tôi vẫn sống khỏe 13 năm dù mang trong mình căn bệnh ung thư, tôi tin với tinh thần lạc quan và sống năng lượng thì điều gì cũng có thể vượt qua. Tôi hy vọng mình sẽ truyền được cảm hứng đến những người đồng bệnh khác, hãy cứ lạc quan và giữ vững niềm tin, bệnh tật sẽ được đẩy lùi.
Bạch Thị Dung