Nối tiếp mô hình "ATM gạo" xuất hiện hồi tháng 4 kịp thời hỗ trợ người dân khó khăn vì ảnh hưởng của Covid-19 ở nhiều tỉnh thành trên cả nước, đầu tháng 8, hệ thống ATM gạo của Công ty Cổ phần Đầu tư Nam Long đã chính thức được đưa vào hoạt động ở 13 điểm xã thuộc địa bàn ba huyện Bến Lức, Thủ Thừa và Tân Trụ, tỉnh Long An.

Người dân xếp hàng nhận gạo tại ATM gạo thuộc xã Lương Hòa, huyện Bến Lức.
Nhiều người dân địa phương chia sẻ, từ khi dịch Covid-19 bùng phát đến nay, các công việc như bán hàng, phụ việc ở quán ăn uống, chạy xe ôm... đều không duy trì được như trước. Chi tiêu trong gia đình vốn dĩ eo hẹp thì nay càng phải "thắt lưng buộc bụng" hơn.
"Đợt dịch trước, con tôi làm công nhân bị cho nghỉ việc suốt mấy tháng, giờ đi làm lại rồi nhưng ngày công ít đi, tiền lương cũng giảm theo. Mấy tháng nay bệnh dịch, tôi cũng không làm được gì nên thiếu thốn hơn trước", bà Ngô Kim Loan, 76 tuổi, ngụ ở xã Lương Hòa, huyện Bến Lức vừa nhận gạo vừa kể.
Theo thống kê, số lao động bị tạm hoãn hợp đồng và mất việc do dịch bệnh trên địa bàn Long An lên đến hàng nghìn người. Để chia sẻ phần nào với những khó khăn của người dân, huyện Bến Lức lắp đặt thí điểm hai máy ATM gạo đầu tiên.

Nhiều cụ ông, cụ bà có hoàn cảnh đơn chiếc được hỗ trợ nhiệt tình khi đến nhận gạo.
Tuy nhiên, hai máy thí điểm không đáp ứng được hết nhu cầu thực tế. Đáp lại lời kêu gọi của tỉnh Long An, Nam Long quyết định hỗ trợ thêm hệ thống 13 máy ATM gạo và hơn 70 tấn gạo để vận hành trong thời gian đầu. Các máy được bố trí tại trụ sở ủy ban xã, huyện, nơi người dân thuận tiện đến hàng tuần... nhằm mang lại hiệu quả cao nhất.
Với người dân địa phương, những chiếc máy này đã góp phần tiếp thêm động lực để mỗi gia đình có thể yên tâm phòng dịch, vơi bớt áp lực cơm áo gạo tiền hằng ngày.

Các biện pháp phòng dịch Covid-19 được áp dụng nghiêm ngặt khi người dân đến nhận gạo.
Còn với Nam Long, 13 máy ATM gạo tiếp tục nối dài thêm nhiều chương trình vì cộng đồng của doanh nghiệp. Trước đó, Nam Long đã triển khai chương trình nhà ở xã hội EHomeS cho người thu nhập thấp, thực hiện trao học bổng thường niên "Swing For Dreams" hỗ trợ sinh viên nghèo vượt khó tại các trường đại học thuộc địa bàn TP HCM, tổ chức các hoạt động hỗ trợ dụng cụ học tập, sách vở cho học sinh nghèo ở các tỉnh vùng sâu vùng xa...
Ông Dương Tấn Vinh, Giám đốc Pháp lý và Phát triển dự án Công ty Cổ phần Đầu tư Nam Long cho rằng kinh tế, xã hội và môi trường là ba yếu tố nền tảng của phát triển kinh doanh bền vững. "Vì thế, nhiều năm qua, Nam Long luôn chú trọng mối quan hệ cân bằng giữa ba yếu tố này, để không chỉ kinh doanh mà Nam Long còn có thể đóng góp trở lại cho quốc gia, cho địa phương nơi mình hoạt động thông qua những sáng kiến, chương trình ý nghĩa và thiết thực".
Diệp Chi