Ông Viên Viết Hùng - Phó cục trưởng Cục Thuế Hà Nội cho biết cơ quan này vừa gửi tin nhắn trên hệ thống SMS và hướng dẫn truy cập trang thông tin của cơ quan thuế tới 13.422 chủ tài khoản Facebook có các hoạt động quảng cáo và bán hàng qua mạng trên địa bàn. Tại địa chỉ nêu trên, cơ quan quản lý đã đưa các thông tin hướng dẫn về nghĩa vụ đăng ký, kê khai thuế, cách thức khai báo thông tin để các cá nhân kinh doanh qua mạng kê khai với cơ quan thuế.
Động thái được cơ quan quản lý đưa ra trên cơ sở đề án quản lý thuế đối với hoạt động kinh doanh thương mại điện tử được xây dựng từ cuối tháng 3/2017. Trong số các tài khoản nêu trên, có 1.950 cá nhân đã đăng ký và được cấp mã số dùng để kê khai, nộp thuế. Ngành thuế cũng cho biết đã thu thập được danh tính, số điện thoại của các chủ tài khoản.
Cơ quan thuế cho biết với đặc điểm của hoạt động kinh doanh thương mại điện tử, người bán hàng trên mạng xã hội Facebook, Youtube, Zalo... có thể sở hữu một hoặc nhiều tài khoản khác nhau để quảng cáo hoặc bán hàng, việc mua bán lại chủ yếu được giao dịch bằng tiền mặt. Ngoài ra, một số người kinh doanh trên mạng xã hội như một việc làm thời vụ để tăng thêm thu nhập. Do vậy, ngành thuế cho rằng cần sử dụng công nghệ thông tin để quản lý thuế đối với hoạt động này.
Trước đó vào đầu tháng 6, các chi cục thuế tại TP HCM cũng đã gửi thư mời nhiều chủ cơ sở kinh doanh trên Facebook đến làm việc để thực hiện kê khai nộp thuế. Theo ông Nguyễn Nam Bình - Phó cục trưởng Cục Thuế TP HCM, trong đợt này đã có gần 13.500 chủ tài khoản Facebook được mời lên làm việc.
"Bước đầu, chúng tôi chỉ muốn tiếp xúc và tìm hiểu xem việc kinh doanh của họ có lâu dài không? Đã đăng ký thuế hay chưa? Nếu việc kinh doanh này được duy trì và chưa kê khai thuế thì sẽ vận động họ đăng ký và kê khai đầy đủ", ông nói và cho biết chỉ những trường hợp có doanh thu trên 100 triệu đồng mỗi năm mới phải nộp thuế. Đồng thời, việc này được giao về cho Chi cục Thuế các quận thực hiện.
Theo nhiều chuyên gia, việc thu thuế người bán hàng trên Facebook là không đơn giản. Mỗi tổ chức, cá nhân hiện có thể sở hữu nhiều tài khoản khác nhau trên mạng xã hội để kinh doanh. Việc mua bán lại chủ yếu được giao dịch bằng tiền mặt nên khó giám sát. Đó là chưa kể việc phân biệt các cửa hàng dùng Facebook vào mục đích gì, để tư vấn, tiếp thị hay để bán sản phẩm, dịch vụ. Ngoài ra, một số người kinh doanh trên Facebook như một việc làm thời vụ hoặc kiếm thêm thu nhập thì cần quản lý thuế ra sao.
Minh Sơn