![song-4689-1430728340.jpg](https://vcdn1-vnexpress.vnecdn.net/2015/05/04/song-4689-1430728340.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=GRr07OyYEUiziLukj6xgcQ)
Pemba Tamang hồi phục tại bệnh viện dành cho các nạn nhân động đất. Ảnh: Manish Swarup/AP.
Sau khi những bức tường quanh phòng đổ sập trong trận động đất hôm 25/4, Pemba Tamang bị kẹt dưới đống gạch vữa cao 2 m. Cậu bé 15 tuổi ngồi thu mình và không thể di chuyển trong suốt 120 tiếng. Tamang mút những giọt mồ hôi trên người và ăn bất cứ thứ gì còn lại từ bữa trưa của mình để tồn tại.
"Cháu biết đó là một trận động đất", Tamang chia sẻ với Guardian hôm 1/5. "Nhưng sau đó, cháu nghĩ đấy là một giấc mơ. Cháu không biết liệu mình có đang mơ không".
Lúc đầu, khi mắc kẹt dưới đống đổ nát của khách sạn ở Kathmandu nơi Tamang làm việc, cậu bé đã cố gắng kêu cứu. Tuy nhiên hai ngày sau, cậu thôi không làm vậy nữa vì nghĩ sẽ chẳng có ai đến cả.
"Không ai có thể nghe thấy tiếng cháu, vì thế cháu không hét nữa", Tamang kể.
Nhưng cuối cùng cũng có người đến giải thoát cho Tamang. Cậu bé được đội cứu hộ đưa lên từ đống đổ nát hôm 30/4. Tamang hồi phục tại một cơ sở y tế do quân đội quản lý ở thủ đô của Nepal. Tamang bị vài vết bầm tím và vết xước trên mặt, tay, chân nhưng không nghiêm trọng. Các bác sĩ cho rằng Tamang sẽ sớm xuất viện.
Nhưng Tamang không có nhà để về. Cậu bé từng sống tại khách sạn này nhưng giờ nó chỉ còn là đống gạch vụn. Khi nào được ra viện, Tamang sẽ đi cùng bố. Căn nhà của bố con Tamang cũng bị phá hủy trong trận động đất hủy hoại hơn 90 % nhà cửa ở vùng nông thôn, cướp đi sinh mạng của hơn 7.000 người và làm hơn 15.000 người khác bị thương.
"Nhà tôi bị đổ sập", ông Surya Tamang, bố của Tamang, cho biết. "Chúng tôi giờ sống trong lều cùng những người thân khác. Tôi hạnh phúc khi con trai mình vẫn còn sống và không thành viên nào trong nhà bị thương".
![song-1-5278-1430728340.jpg](https://vcdn1-vnexpress.vnecdn.net/2015/05/04/song-1-5278-1430728340.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=RZlo8BgH3u0teqrQSNIRLQ)
Tamang được đưa đi bằng cáng sau khi các nhân viên cứu hộ đưa cậu bé lên từ đống đổ nát của tòa nhà khách sạn nơi cậu làm việc. Ảnh: EPA.
Hôm 30/4, quân đội Nepal và các chuyên gia đến từ Pháp, Na Uy và Israel cứu sống nạn nhân thứ hai là Krishna Devi Khadka, 30 tuổi, từ đống đổ nát. Krishna sau đó cũng được đưa tới bệnh viện trong tình trạng nguy kịch.
Câu chuyện giống như của Tamang và Khadka trở nên hiếm hoi trong những ngày sau trận động đất mạnh 7,8 độ Richter rung chuyển Nepal.
Các bệnh viện ở Kathmandu có đủ trang thiết bị và bác sĩ nhưng trận động đất đã phá hủy cơ sở hạ tầng khiến phòng phẫu thuật và phòng hồi sức không còn an toàn. Khi đội cứu hộ bắt đầu tìm thấy thêm nhiều người sống sót ở các khu vực ngoại ô thành phố Kathmandu, không gian dành cho các bệnh nhân mới trở nên khan hiếm.
"Bệnh viện có 750 giường bệnh, nhưng chúng tôi chỉ dùng 115 giường vì có nhiều vết nứt trên tường nhà", tiến sĩ Rajesh Kishor Shrestha ở đại học y Nepal cho hay. "Chúng tôi không thể dùng bàn phẫu thuật được vì có quá nhiều vết nứt. Chúng tôi chỉ đang dùng một khu vực cấp cứu".
Theo ông Rajesh, họ cần một căn lều làm phòng mổ. "Chúng tôi đã yêu cầu chính phủ nhưng họ không cung cấp", ông Rajesh.
Một đội kỹ sư Nepal đang kiểm tra cơ sở hạ tầng của tất cả các bệnh viện ở Kathmandu. Khi chúng được xem là an toàn, các bác sĩ mới có thể bắt đầu phẫu thuật trở lại.
Bình Minh (theo Guardian)