Theo Giám đốc Sở Y tế Hòa Bình Trần Quang Khánh, số máy chạy thận mới này được UBND tỉnh trang bị cho đơn nguyên thận nhân tạo tại Bệnh viện Đa khoa thành phố Hòa Bình, kinh phí 5,5 tỷ đồng từ ngân sách dự phòng.
Với 12 máy mới, bệnh viện này hiện có 22 máy chạy thận nhân tạo, đảm bảo hoạt động theo chu kỳ ba ca một ngày để lọc máu cho 120 bệnh nhân. Như vậy, toàn bộ bệnh nhân chạy thận ở Hòa Bình hiện không phải về các bệnh viện Hà Nội lọc máu định kỳ sau tai biến 18 người chạy thận hồi cuối tháng 5, mà có thể điều trị tại chỗ.
Ngày 29/5, ngay ca lọc máu buổi sáng tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình, 18 bệnh nhân có biểu hiện sốc phản vệ, 8 người sau đó lần lượt tử vong. 10 bệnh nhân bị tai biến được chuyển khẩn cấp về Bệnh viện Bạch Mai Hà Nội điều trị nên đã thoát chết. Đơn nguyên thận nhân tạo tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình bị niêm phong để phục vụ quá trình điều tra nguyên nhân tai biến.
Việc tạm ngưng hoạt động đơn nguyên thận nhân tạo tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình khiến hơn 100 bệnh nhân đang điều trị thận ở tỉnh này phải về các bệnh viện Hà Nội để lọc máu theo chu kỳ. Bệnh viện Đa khoa thành phố Hòa Bình chỉ có 10 máy chạy thận nên ưu tiên điều trị cho các ca nặng hoặc bệnh nhân sức khỏe kém không thể di chuyển về Hà Nội.
Suốt hai tháng rưỡi qua kể từ sau sự cố tai biến, mỗi ngày Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình phải bố trí hai chuyến xe đưa đón bệnh nhân chạy thận về các bệnh viện Hà Nội lọc máu. Liên quan đến vụ việc, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình Trương Quý Dương đã bị cách chức.