Ngày 24/6, các tàu chấp pháp Việt Nam tiến vào giàn khoan thực thi pháp luật, kiên quyết yêu cầu Trung Quốc rút giàn khoan và các tàu bảo vệ rời khỏi vùng biển thuộc chủ quyền Việt Nam. Trước sự ngăn cản tấn công của tàu Trung Quốc, tàu Việt Nam vẫn kiên trì bám trụ, cơ động vòng tránh.
8h sáng nay, khi các tàu Việt Nam hoạt động cách giàn khoan 10,5 hải lý thì có 5 tàu kéo, 6 tàu hải cảnh và tàu hải tuần của Trung Quốc chặn hướng, áp sát ngăn cản không cho tiến gần giàn khoan, theo báo cáo của Cục Kiểm ngư (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn).
Tàu KN 951 vừa bị 5 tàu Trung Quốc đâm khiến móp méo, biến dạng ngày 23/6 nhưng vẫn tiếp tục tham gia thực thi nhiệm vụ trong hôm nay. Tuy nhiên, tàu này đã bị tàu kéo 32 của Trung Quốc áp sát cách 100 mét và tàu 284 áp sát ngăn cản ở khoảng cách gần 10 mét.
Đầu giờ chiều nay, lực lượng kiểm ngư phát hiện một máy bay cánh bằng của Trung Quốc hoạt động ở khu vực nam - đông nam cách giàn khoan 12 hải lý. Máy bay bay ở độ cao 500-700 mét và bay 4 vòng sau đó rời khỏi khu vực.
Trung Quốc hôm nay vẫn duy trì gần 108 tàu các loại, trong đó gần 39 tàu hải cảnh, 14 tàu vận tải, 19 tàu kéo, 30 tàu cá và 6 tàu quân sự. Các tàu này tổ chức thành nhóm từ 5 đến 10 tàu và bố trí thành đội hình vòng cung cách giàn khoan đặt trái phép khoảng 10-11 hải lý.
Các tàu hải cảnh, hải giám, hải tuần và tàu kéo Trung Quốc tổ chức dàn hàng ngang ngăn cản quyết liệt, sử dụng tốc độ cao để áp sát, vây ép, đâm va và phun nước khi tàu Việt Nam tiến gần.
Khoảng 30 tàu cá dưới sự hỗ trợ của hai tàu hải cảnh số hiệu 46102, 46106 của Trung Quốc còn dàn hàng ngang ngăn cản các tàu Việt Nam đang đánh bắt cá.
Hương Thu