Theo kết quả xác minh của đoàn kiểm tra, Cơ quan Điều tra của Công an thị xã Phan Rang - Tháp Chàm đã phạm phải 4 sai lầm. Thứ nhất, điều tra viên không làm rõ tang vật gây án, mà chỉ hợp thức hóa hồ sơ bằng biên bản thu giữ vật chứng (con dao mà chị Loan dùng để gây thương tích cho ông Tâm). Điều đó dẫn tới lời khai của nhân chứng Nguyễn Thị Nghĩa và nội dung hồ sơ vênh nhau, và tới nay, dù chị Loan đã chết, tình tiết về “con dao gây án” vẫn là một bí ẩn.
Hai sai phạm khác là cơ quan này không cho đối chất lời khai giữa các bên để làm cơ sở xác định sự thật, và không thực nghiệm điều tra, dựng lại hiện trường, diễn lại hành vi, lập hồ sơ diễn biến sự việc... Cụ thể, chị Loan khai rõ trong biên bản là: “Ông Tâm dùng tay dúi cổ Loan về phía trước khi đang mở cửa vào nhà. Có sẵn dao trong tay, Loan đâm mạnh ra sau, trúng tay ông Tâm”. Ngược lại, ông Tâm khai: “Hai người chỉ cách nhau gần 1 m và đối mặt. Loan rút dao dâm, tôi giơ tay trái lên đỡ...”. Hai tình huống trên mức độ nguy hiểm là khác nhau, thế nhưng Công an thị xã đã bỏ qua, không xác định lời khai nào là thật.
Sai phạm thứ tư là không giám định lại tỷ lệ thương tật của ông Tâm theo đề nghị của chị Loan. Thương tích thực tế của ông Tâm có điểm bất hợp lý: Biên bản giám định thương tật của Tổ chức Giám định Pháp y Ninh Thuận ngày 14/6 ghi: “Vết thương gây đứt các cơ duỗi ngón, gây khó khăn khi xòe bàn tay”, thế nhưng kết quả xem xét trực tiếp dấu vết trên người bị hại ngày 27/6 thì “5 ngón tay, bàn tay trái nắm duỗi ra bình thường, không bị tê liệt”.
Kiểm sát, tòa án: Mỗi bên 4 sai phạm
Cái sai lớn nhất (sai phạm thứ năm) của VKSND thị xã là không trực tiếp kiểm sát điều tra vụ án từ giai đoạn khởi tố, vì vậy không phát hiện ra thiếu sót của công tác điều tra. Ngoài ra, kiểm sát viên thực hành quyền công tố cũng chưa nghiên cứu kỹ, không phát hiện thiếu sót trong hồ sơ vụ án. Tại phiên tòa sơ thẩm, chị Loan đề nghị giám định lại tỷ lệ thương tật của bị hại, song công tố viên đã bác bỏ dẫn tới hàng loạt nghi ngờ trong dư luận (sai phạm thứ sáu).
Sai phạm thứ bảy thuộc về TAND thị xã. Khi nhận hồ sơ vụ án, tòa đã nghiên cứu, trả hồ sơ yêu cầu điều tra bổ sung. Tuy nhiên, chỉ 3 ngày sau, VKS đã chuyển hồ sơ sang và tòa dễ dàng chấp nhận đưa vụ án ra xét xử, dù nội dung chưa rõ ràng. Một lỗi khác của tòa thị xã là phiên tòa sơ thẩm ngày 15/3 diễn ra quá sơ sài, không làm rõ được vị trí, tư thế người bị hại bị đâm, nguyên nhân hoàn cảnh dẫn tới việc phạm tội của bị cáo, không làm sáng tỏ được vật chứng...
Các thiếu sót trên của cấp sơ thẩm đã không được VKSND tỉnh Ninh Thuận khắc phục. Theo xác minh của đoàn kiểm tra, kiểm sát viên tỉnh đã không xem xét đầy đủ, toàn diện đơn kháng cáo của chị Lê Thị Thúy Loan, mà hầu như chấp nhận những cái đã có trong hồ sơ sơ thẩm (sai phạm thứ chín). Cụ thể, biên bản lập khi vụ án xảy ra không có chữ ký của bị cáo, thế nhưng bản lưu hồ sơ lại có đầy đủ. Kết quả giám định cho thấy đó là chữ ký giả. Trong phiên phúc thẩm, công tố viên đã dẫn lời khai của nhân chứng Lê Tứ Mài (cha nuôi bị cáo) để buộc tội chị Loan, trong khi bản thân ông Mài đang có đơn khẳng định không khai như vậy.
Sai phạm thứ mười của VKSND tỉnh là yêu cầu bắt giam chị Loan ngay tại phiên tòa. Đoàn kiểm tra khẳng định yêu cầu này là không phù hợp, vì với những tình tiết của vụ án, bị cáo đủ điều kiện được áp dụng hình phạt cải tạo không giam giữ. Ngạc nhiên hơn, chị Loan là trường hợp đầu tiên từ đầu năm 2000 đến nay, chỉ bị án 2 năm tù mà “phải” bắt giam ngay tại tòa phúc thẩm.
Hai sai phạm sau chót thuộc về TAND tỉnh Ninh Thuận trong phiên tòa phúc thẩm. Hàng loạt nhân chứng quan trọng, như ông Mài, ông Nguyễn Văn Trọng, Trần Ngọc Long (người xác nhận chị Loan không ký biên bản)... vắng mặt, mà phiên tòa vẫn được tiến hành. Cuối cùng, HĐXX đã quá chủ quan, tắc trách khi để bị cáo tự đi ra ngoài mua thuốc trừ sâu uống, khi bị cáo có dấu hiệu ngộ độc cũng không kịp thời phát hiện để ứng phó.
(Theo Tuổi Trẻ)