Kết luận trên được ông Phan Văn Hùng, Chi cục trưởng Vệ sinh an toàn thực phẩm Hà Tĩnh đưa ra chiều 26/2. Mẫu thực phẩm các bệnh nhân đã ăn hết nên không có để xét nghiệm, song qua xem xét triệu chứng lâm sàng, cán bộ y tế đã xác định được nguyên nhân.
"Hai người đàn ông mua thịt bê thui buổi trưa, đến tối mới lấy ra ăn mà không chế biến lại. Việc này khiến thực phẩm dễ bị ôi thiu, vi khuẩn xâm nhập", ông Hùng nói và khuyến cáo người dân cần mua thực phẩm có nguồn gốc xuất xứ, nếu đã chế biến rồi thì nên nấu lại trước ăn, đề phòng sự cố.
Trước đó trưa 23/2, anh Nguyễn Thu Lưu (trú xã Sơn Lộc) cùng anh Nguyễn Hữu Quyền (trú xã Thượng Lộc, huyện Can Lộc) đi làm về. Qua ngã ba Khe Giao (huyện Can Lộc), thấy người dân bán thịt bê thui bên quốc lộ 15A, anh Lưu mua một kg, anh Quyền lấy 0,5 kg.
Do về nhà muộn, gia đình đã ăn trưa nên hai anh Lưu và Quyền chưa sử dụng đến số thịt bê thui trên. Tối cùng ngày, anh Lưu chia vài lạng thịt bê đem cho ba mẹ con chị gái Nguyễn Thị Lâm sống cùng thôn Khánh Sơn (xã Sơn Lộc), số còn lại 5 người trong gia đình thưởng thức. Anh Quyền cũng đưa 0,5 kg thịt bê ra ăn cùng với 5 thành viên trong gia đình.
Tối 23 đến sáng 24/2, 8 người trong gia đình anh Lưu và chị Lâm xuất hiện triệu chứng đau bụng, buồn nôn, đi ngoài, một số người bị sốt, phải tới Trạm Y tế xã Sơn Lộc thăm khám. Tối 25/2, nhà chức trách ghi nhận thêm 4 người trong gia đình anh Quyền gặp triệu chứng tương tự sau khi ăn thịt bê thui, phải tới Trung tâm Y tế huyện Thạch Hà điều trị. Tổng số bệnh nhân là 12.
Hiện, trong 12 bệnh nhân, 6 người điều trị tại Bệnh viện Đa khoa Hà Tĩnh, 3 người ở Bệnh viện Đa khoa Thạch Hà, còn lại theo dõi sức khỏe tại nhà. Ngoài một bệnh nhân ở Bệnh viện Đa khoa Hà Tĩnh diễn biến nặng, những trường hợp khác đều giảm sốt và tiêu chảy, đã tỉnh táo, sức khỏe dần ổn định.