Bản án xác định, bị cáo Phạm Quang Duy (40 tuổi, nguyên trưởng phòng Dự án 3 thuộc Ban Quản lý các Dự án đường sắt - RPMU, Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam) tham gia sách nhiễu JTC để ép nhà thầu đưa tiền nên phải nhận mức án 8 năm 6 tháng tù.
Với vai trò đồng phạm tích cực, Nguyễn Nam Thái (38 tuổi, nguyên phó phòng) bị phạt 11 năm tù. Bị cáo Trần Quốc Đông (51 tuổi, nguyên phó tổng giám đốc Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam, nguyên giám đốc RPMU) biết cấp dưới Bằng nhận tiền nhưng để mặc và tiếp nhận ý chí việc nhận tiền từ JTC nên lĩnh án 7 năm 6 tháng tù.
Nguyễn Văn Hiếu (53 tuổi, nguyên giám đốc RPMU) để mặc cho Bằng và Thái nhận tiền từ nhà thầu trong suốt 3 năm làm giám đốc, không kiểm tra, giám sát các hoạt động của nhà thầu, hưởng lợi 50 triệu đồng từ tiền hỗ trợ của JTC, bị tuyên phạt 7 năm 6 tháng tù.
Bị cáo Trần Văn Lục (57 tuổi, nguyên giám đốc RPMU) có thể chấm dứt việc nhận tiền nhưng để mặc cho Bằng phạm tội, và còn nhận 100 triệu đồng nên bị phạt 5 năm 6 tháng.
Theo HĐXX, dù 11 tỷ đồng nhận từ JTC các bị cáo khai đã chi tiêu vào các hoạt động chung của RPMU nhưng việc giao tiền là không phải trên cơ sở tự nguyện nên phải truy thu sung quỹ Nhà nước. Toà kê biên một số tài sản của các bị cáo Bằng, Thái, Hiếu, Đông để đảm bảo thi hành án.
Bản án xác định, cả 6 bị cáo đã phạm tội Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ, trong số này có 3 người nguyên là giám đốc RPMU qua các thời kỳ. Vì động cơ cá nhân, lợi ích nhỏ, các bị cáo có hành vi sách nhiễu để yêu cầu nhà thầu JTC nhiều lần đưa tiền. Các bị cáo chưa kiểm soát chặt chẽ, tài liệu do nhà thầu Nhật Bản này cung cấp nên sản phẩm không đạt yêu cầu nhưng vẫn tiến hành giải ngân cho nhà thầu.
Theo tòa, hành vi của các cựu quan chức đường sắt này đã vi phạm quy định của luật phòng chống tham nhũng, gây ảnh hưởng quan hệ giữa Việt Nam - Nhật Bản và với các nước khác dù trực tiếp hay gián tiếp.
Sáng hôm nay, nói lời sau cùng trước khi tòa nghỉ nghị án, bị cáo Lục cho hay gần 30 năm cống hiến trong ngành không ngờ lại vào tình cảnh như thế này.
"Đến hôm nay bị cáo không biết đúng hay sai nhưng trong lòng bị cáo rất đau. Nỗ lực, cố gắng trong bao nhiêu năm nhưng chỉ vì một hành động thì bỏ đi toàn bộ. HĐXX quy bị cáo có tội thì bị cáo phải chịu. Bị cáo xin HĐXX xem lại để phán quyết cho công minh, khách quan", bị cáo Bằng bật khóc.
Trước đó, trong phần tranh tụng, đại diện VKS cho hay thấy tiến độ thực hiện dự án chậm tới 33 tháng (tính đến 31/6/2014), sản phẩm chưa hoàn thành nhưng chủ đầu tư vẫn thanh toán cho nhà thầu JTC. "Kiểm tra hồ sơ thanh toán chỉ có chấm công… nhưng Trần Quốc Đông đã ký 12 hoá đơn, Nguyễn Văn Hiếu vẫn ký 7 hoá đơn giải ngân cho nhà thầu JTC", công tố viên nói.
Phản bác lại quan điểm của các luật sư cho rằng khoản "hỗ trợ" 11 tỷ đồng của JTC với các quan chức RPMU nằm trong hợp đồng ký kết giữa hai bên, VKS khẳng định toàn bộ hợp đồng không có nội dung nào cho thấy JTC phải lo chi phí cho những ngày lễ, tết, nghỉ mát… của Ban quản lý dự án. Việc JTC giao tiền là vi phạm pháp luật Việt Nam. Các quan chức RPMU nhận tiền là "trái công vụ".
"Trong vụ án có sự cấu kết, thống nhất từ trên xuống dưới. Những bị cáo có chức danh, con dấu, thay mặt nhà nước ký giải ngân từ nguồn tiền Nhà nước song đã thực hiện hành vi một cách vô cảm", công tố viên nhận định.
Lời nói sau cùng của bị cáo Phạm Hải Bằng
- Ngày 31/10/2008, Bộ Giao thông vận tải phê duyệt dự án xây dựng đường sắt đô thị tuyến 01 (giai đoạn 1). Dự án này được Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (VNR) giao cho chủ đầu tư Ban quản lý dự án đường sắt Việt Nam (RPMU). - Ngày 9/9/2009, VNR ký hợp đồng dịch vụ tư vấn kỹ thuật do nhà thầu Nhật Bản JTC đứng đầu. - Gần cuối tháng 3/2013, một loạt tờ báo Nhật Bản đưa tin ông Tamio Kakinuma, Chủ tịch công ty tư vấn đường sắt JTC đưa hối lộ nhiều nước, trong đó có Việt Nam, nhằm đổi lấy trúng thầu dự án ODA. - Ngày 26/3/2014, Đoàn thanh tra Bộ Giao thông vận tải đã thanh tra một loạt các dự án JTC tham gia, trong đó có dự án đường sắt đô thị do RPMU làm chủ đầu tư. - Ngày 9/5/2014, 6 quan chức đường sắt gồm Phạm Hải Bằng, Trần Văn Lục, Phạm Quang Duy, Nguyễn Nam Thái, Trần Quốc Đông, Nguyễn Văn Hiếu bị khởi tố để điều tra về hành vi lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ với cáo buộc đã nhận 11 tỷ đồng của JTC.
- Tháng 6/2015, VKSND Tối cao đề nghị truy tố các bị can Bằng, Lục, Đông, Duy, Thái, Hiếu tội Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ. |
Việt Dũng