Long và mọi người đang cùng nhau tập luyện bài gym buổi chiều. Chàng trai có hình thể cường tráng, cao 1,75 m, nặng 105 kg, cơ bắp cuồn cuộn. Nhìn Long bây giờ, không ai nghĩ anh từng chỉ nặng 45 kg, bị mọi người trêu đùa là "cò hương" vì quá gầy.
Chàng trai 26 tuổi là vận động viên thể hình ở TP HCM. Anh tập gym từ năm 2008, đến nay gần 12 năm gắn bó với nghề.
Khác với mọi người, Long không được bố mẹ tán thành việc tập luyện vì quá gầy. Mỗi chiều tan học, anh phải nói dối đi đá bóng hoặc gặp gỡ bạn bè rồi trốn đến phòng tập. Lặp đi lặp lại, anh bị bố phát hiện.
"Khi đó, bố giận lắm, còn đốt xe máy để Long không còn phương tiện đi lại", anh kể.
Ngoài ra, khi đến phòng tập nhìn ai cũng cơ bắp to đùng khiến Long e dè, cơ thể còn thô cứng nên lúc hạ người ép dẻo, đau đến ứa nước mắt. "Có khi, sáng thức dậy toàn thân co cứng không bước nổi lên cầu thang".
Long thú nhận đến với bộ môn thể hình với cái đầu rỗng kiến thức. Vào phòng là hì hục tập, squat, gánh tạ nặng sai kỹ thuật dẫn đến chấn thương ở vai, cổ tay thường xuyên. Gia đình lúc đó cũng không có điều kiện, anh chỉ ăn trứng rán và cơm trắng để tập nên mãi không có được vóc dáng mong ước.
Quá trình tập luyện giúp Long nhận ra rằng trở thành vận động viên thể hình chính là điều anh mong muốn theo đuổi. Chàng trai say mê cái đẹp, thần tượng những người tập lâu năm có thể hình vạm vỡ. Bởi vậy, cứ mỗi lần được đến tập, Long có thêm động lực và sự háo hức. Chàng trai quyết tập luyện để cải thiện hình thể dù chưa được gia đình chấp thuận.
"Thời gian sẽ chứng minh sự lựa chọn của Long là đúng", anh chia sẻ.
Theo Long, để trở thành vận động viên thể hình thì cơ bắp phải "càng to càng tốt", tức là người có bộ cơ to, đẹp, chắc, cân đối càng dễ thắng giải.
Để đáp ứng, anh phải tập cả tuần, mỗi ngày 8 tiếng. Trước mùa thi đấu, anh dành trọn thời gian và ăn, ngủ, nghỉ tại phòng tập. Khi tập, anh không gắng sức mà tập đều đặn mỗi ngày để cơ thể làm quen rồi nâng dần mức tạ. Chỉ số hình thể của anh hiện tại là 127 - 90 - 118 cm.
Anh tự lên thực đơn phù hợp với khẩu vị của bản thân, ăn gấp 3 lần bình thường, ngủ đủ giấc để cơ bắp phát triển. Long ăn 6 bữa mỗi ngày, tuyệt đối không để bụng đói trước khi tập."Tự chế biến món ăn cho bản thân vừa ngon, vừa đảm bảo vệ sinh, vừa tiết kiệm chi phí", Long chia sẻ.
Long khuyên mỗi người cần lắng nghe cơ thể để có thực đơn phù hợp, đừng chạy theo thực đơn mạng để "tiền mất, tật mang". Sau thi đấu, anh sẽ bổ sung thêm các món chiên, xào...để đảm bảo cơ thể được cung cấp đủ chất dinh dưỡng.
Tập luyện cường độ cao, chấn thương là điều không tránh khỏi. Năm 2011, Long bị giãn dây chằng vai. Đến năm 2013, anh bị chấn thương ở gối. Nặng nhất là chấn thương lệch đốt sống khiến anh phải nghỉ thi đấu hai năm.
"Bác sĩ nhiều lần khuyên dừng tập để an toàn nhưng mình không làm được", Long kể. Khi đó, Long tìm các bệnh viện lớn, vừa tập vừa trị liệu, kết hợp bài tập cơ bản tăng sức bền. Anh ưu tiên những bài căng giãn vừa sức và hạn chế tập cường độ cao hay nâng tạ nặng.
Năm 2014, Long nhận được tấm huy chương vàng đầu tiên trong sự nghiệp thi đấu của ở giải trẻ quốc gia. Ngày nhận huy chương, Long mừng rỡ khi có được động viên của gia đình. Dường như với Long, đấy là tấm huy chương hạnh phúc nhất sự nghiệp thi đấu bởi anh đã được công nhận sau nhiều năm bền bỉ.
"Gym không phải là phép màu, nhưng sẽ mang đến phép màu cho những người kiên trì luyện tập", Long nói.
Thùy An