1. Đồ nội thất không gắn cố định vào tường
"Trong bất kỳ căn phòng nào, chúng ta cũng phải quan tâm đến đồ đạc", tiến sĩ Meghan Martin, bác sĩ cấp cứu nhi khoa tại Bệnh viện Nhi Johns Hopkins (Mỹ) và là một bà mẹ 4 con, nói. Đồ nội thất nên được gắn vào tường bằng giá đỡ, dây treo, đinh ốc chắc chắn, ví dụ tủ, giá sách... Những đứa trẻ rất hiếu động và thường thích leo trèo. Cần cố định để không gây tai nạn cho trẻ.
Một báo cáo của Ủy ban an toàn của sản phẩm tiêu dùng cho biết, 475 trẻ đã gặp tai nạn vì sự cố lật đồ đạc từ năm 2000 đến năm 2019, trong đó phần lớn trường hợp tử vong liên quan đến trẻ dưới 6 tuổi.
2. Ti vi không cố định
Tương tự như các tủ nặng, TV không cố định cũng gây nguy hiểm. Tiến sĩ Denise Nunez - bác sĩ nhi khoa ở New York và là một bà mẹ hai con - kêu gọi các gia đình gắn TV màn hình phẳng lên tường hoặc đảm bảo rằng chúng được buộc chặt.
3. Xe tập đi
Tiến sĩ, bác sĩ nhi khoa Amna Husain cho biết trong nhà cô chưa bao giờ có xe tập đi, bởi vì đã có nghiên cứu cho thấy món đồ này không an toàn. "Mặc dù chúng ta đã nói điều này trong nhiều năm, nhưng các bậc cha mẹ vẫn muốn mang nó vào nhà họ", Husain nói.
Lý do vì nhờ xe tập đi mà trẻ có thể đi đến các khu vực nguy hiểm trong nhà như cầu thang, hồ bơi hoặc bếp lò nóng. Chúng cũng có thể va vào tường, cạnh bàn, gương kính... Xe tập đi nguy hiểm đến mức Học viện Nhi khoa Mỹ đã kêu gọi cấm sản xuất và bán xe tập đi.
4. Đồ chơi chi tiết nhỏ
Theo website của American Academy of Pediatrics' Healthy Children, trẻ em trong độ tuổi từ 6 tháng đến 3 tuổi có nguy cơ bị sặc thức ăn và đồ đạc cao nhất. Những mảnh đồ chơi nhỏ là nguy cơ tiềm ẩn khiến trẻ nghẹt thở.
Để quyết định xem một món đồ chơi có nguy cơ nghẹt thở hay không, Tiến sĩ Nkeiruka Orajiaka đề xuất sử dụng lõi cuộn giấy vệ sinh, kích thước cỡ 3 cm. Nếu một món đồ chơi có thể lọt qua ống này thì sẽ có nguy cơ nghẹt thở. Từ đó, bạn có thể tách thành món đồ nào có thể chơi khi có người giám sát và đồ chơi nào được phép chơi khi không có người giám sát.
5. Dây kéo rèm cửa
Những sợi dây lủng lẳng này có nguy cơ khiến trẻ bị siết cổ. Một nghiên cứu công bố trên tạp chí Pediatrics cho thấy, mỗi ngày có hai trẻ đến phòng cấp cứu vì chấn thương liên quan đến rèm có dây. Nếu nhà bạn có những sợi dây này, hãy cuốn và treo lên cẩn thận.
6. Cửa sổ, ban công không có lưới an toàn
Tiến sĩ Krupa Playforth, một bác sĩ nhi khoa ở Virginia, cho biết: "Một đứa trẻ không được giám sát có thể gây ra đủ loại rắc rối. Một trong mối quan tâm của những đứa trẻ là leo lên cửa sổ và có khả năng rơi ra ngoài.
Chỉ riêng ở Mỹ, ước tính có khoảng 15.000 trẻ em bị thương do rơi từ đường cửa sổ, theo Cincinnati's Children. Đóng cửa sổ chưa hẳn đã đủ đảm bảo an toàn cho các gia đình ở chung cư cao tầng, mà cần làm thêm lưới an toàn.
7. Pin
Các loại pin, đặc biệt loại pin cúc áo là vật dụng cần thiết cho đồ đạc trong nhà. Tuy nhiên bác sĩ Orajiaka khuyến cáo các bậc cha mẹ nên để chúng xa tầm với của con. "Chúng nhỏ nhưng nguy hiểm", Orajiaka nói. Pin cúc áo có một lượng natri hydroxit hoặc dung dịch kiềm, có thể gây bỏng và nhiễm trùng, theo Healthy Children. Khoảng 2.800 trẻ em phải nhập viện cấp cứu mỗi năm do nuốt phải pin cúc áo.
8. Dây buộc các thiết bị
Các sợi dây cho dù là dây TV, bàn ủi hoặc đèn, đều tiềm ẩn nguy cơ. Một đứa trẻ có thể kéo một thiết bị nặng xuống và tự làm mình bị thương, hoặc một sợi dây dài có thể siết cổ hoặc làm trẻ ngạt thở. Hãy cất món đồ đi khi không sử dụng hoặc bọc cố định lại.
9. Ổ điện
Theo Tổ chức An toàn điện Quốc tế, khoảng 2.400 trẻ em Mỹ mỗi năm phải điều trị vì các chấn thương liên quan đến ổ cắm điện. Trong một khảo sát của tổ chức này, gần 1/3 phụ huynh không có bảo vệ an toàn ở ổ điện.
10. Cạnh bàn
Husain cho biết sự thay đổi chiều cao của một đứa trẻ mới biết đi có thể khiến chúng dễ bị chấn thương ở đầu do góc nhọn của đồ nội thất. Một báo cáo của Harvard Health Publishing cũng cho thấy có hàng chục nghìn trẻ em phải vào phòng cấp cứu mỗi năm do chấn thương đầu. Một cách để ngăn ngừa chấn thương cho trẻ là đảm bảo tất cả các góc nhọn được bọc lại.
10. Gương và tác phẩm nghệ thuật
Những món đồ này thường nặng và bọc kính, có thể gây ra thương tích nghiêm trọng cho trẻ. Husain và Orajiaka đề nghị tránh đặt tác phẩm nghệ thuật nặng ở những nơi con bạn có thể va vào hoặc với tay và kéo xuống.
11. Nước nóng
Hầu hết các bác sĩ nhi khoa đều khuyến cáo các bậc cha mẹ nên suy nghĩ kỹ về nơi đặt tách cà phê hoặc trà, những bát canh, bát súp nóng. Cần quan sát và tìm vị trí khuất để đặt những chất lỏng nóng này.
12. Cây trong nhà
Kiểm tra kỹ xem mỗi cây bạn mang vào nhà có an toàn không, đặc biệt nếu chúng nằm trong tầm với của con trẻ. "Không ai thực sự nghĩ cây trong nhà có độc nhưng thực sự đã có nhiều trường hợp trẻ dính độc cây. Hãy tìm hiểu kỹ về cây trồng trong nhà có trẻ nhỏ", Playforth khuyên.
Ngoài những khuyến nghị này, các bác sĩ nhi khoa cũng đề xuất lưu số điện thoại của cơ quan kiểm soát chất độc, tham gia một lớp hô hấp nhân tạo và học các mẹo sơ cứu.
Bảo Nhiên (Theo Insider)