Sáng ngày 5/6/2018, Diễn đàn chuyên đề Nông nghiệp – Giải pháp phát triển cho nông sản Việt diễn ra tại Hà Nội, do Ban Nghiên cứu Phát triển kinh tế tư nhân phối hợp thực hiện cùng báo VnExpress. Thực trạng nền nông nghiệp, bài toán xác định thị trường ưu tiên, ứng dụng công nghệ trong chế biến là những vấn đề trọng tâm được bàn thảo tại diễn đàn.
Tại phiên tham luận thứ nhất, ông Trương Gia Bình, Trưởng Ban IV, Trưởng ban Điều hành Diễn đàn kinh tế Việt Nam nêu câu hỏi nếu có một đề xuất gửi đến Thủ tướng tại Diễn đàn Kinh tế vào cuối năm nay thì các diễn giả sẽ nói gì. Câu hỏi này lập tức nhận được sự hưởng ứng của 7 vị diễn giả với hàng loạt giải pháp được đưa ra.
Ông Nguyễn Quốc Toản - Quyền Cục trưởng Cục chế biến và phát triển thị trường nông sản đưa ra hai giải pháp về chế biến và thị trường.
Thứ nhất, về chế biến, theo ông Toản, nếu cứ xuất thô với tỉ lệ gần 90% như hiện nay, rõ ràng, giá trị gia tăng hàng nông sản của Việt Nam sẽ tiếp tục thấp.
"Riêng rau quả như vải thiều là những sản phẩm chu kỳ ngắn nên cần khâu chế biến sâu", ông cho biết.
Theo đó, ông Toản đưa ra đề xuất về việc tổ chức diễn đàn quốc tế về chế biến, nhằm thu hút sự tham gia sâu rộng của các thành phần kinh tế, các doanh nghiệp, hiệp hội, đặc biệt là cộng đồng quốc tế tham gia vào chuỗi chế biến. Trong đó, vấn đề áp dụng công nghệ vào chuỗi này cũng được ông nhấn mạnh.
Kiến nghị thứ 2 liên quan đến thị trường, theo vị này, cốt lõi phải giải quyết được chất lượng và tiêu chuẩn của sản phẩm. Hạ tầng thương mại cộng với hành vi tiêu dùng của người Việt, tiện đâu mua đó, thiếu sự phân loại cũng là vấn đề được vị này nêu ra tại phiên thảo luận.
Tiến sỹ Đặng Kim Sơn, nguyên Viện trưởng Viện chính sách và Chiến lược phát triển nông thôn (Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn) thì cho rằng, về ngắn hạn, thông tin thị trường là quan trọng nhất. Ông đề xuất nên thành lập một cơ quan thông tin thị trường để nghiên cứu, cung cấp các dữ liệu cụ thể giúp định hướng sản xuất.
Về dài hạn, ông Sơn cho rằng các tổ chức nông dân cần liên kết với nhau theo mô hình hợp tác xã. Toàn bộ phần đầu vào giao cho hộ nông dân, đầu ra giao cho hợp tác xã. Như vậy người nông dân có thể kiểm soát cả đầu vào và đầu ra của sản phẩm.
Phiên thảo luận cũng ghi nhận ý kiến từ ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu - Bộ công thương về đẩy nhanh quá trình tập trung sản xuất nông nghiệp tập trung và quy mô lớn.
''Hạn chế của nông nghiệp nước ta nằm ở sản xuất manh mún, không đảm bảo chất lượng an toàn thực phẩm'', ông Hải thẳng thắn chia sẻ.
Một thuật ngữ được ông nhấn mạnh là công nghiệp hóa nông nghiệp. ''Nông dân cần xóa bỏ tư duy sản xuất nhỏ lẻ để trở thành các công nhân nông nghiệp, ở đó, họ sản xuất, chế biến theo một quy trình thống nhất, từ đó cấu thành nên nền sản xuất quy mô lớn, chi phí thấp hơn và đảm bảo về chất lượng''. Vị này khẳng định.
Trình bày một cách ngắn gọn, ông Vũ Trường Ca – Chủ tịch HĐQT Lina Network cho biết, giải pháp chung cho các vấn đề tồn đọng được trình bày ở trên, nằm ở chuỗi cung ứng. Ông cũng nêu rõ, chuỗi cung ứng cần được chuẩn hóa, ứng dụng công nghệ như blockchain để tạo dựng giá trị gia tăng.
Ông Trần Thanh Hải, đại diện Central Group thì kiến nghị về khâu sau thu hoạch với nhiều giải pháp đưa ra.
Vị này cho biết, với 100 triệu dân, thị trường nội địa có tiềm năng rất lớn, đặc biệt có lợi thế về một số loại quả như vải thiều. "Chúng tôi đã khảo sát thì khoảng 90% người được hỏi cho rằng vải thiều Việt Nam ngon hơn vải Thái, ngoài ra còn có thanh long".
Theo ông, Việt Nam chưa cải tiến được khâu sau thu hoạch nên giá bán vẫn khá cao. Ngoài ra, cần chú trọng quy trình quản lý chất lượng ở người nông dân, tác động tới nhận thức để họ thay đổi phương thức sản xuất. "Chúng tôi đang phối hợp với nông dân để hỗ trợ họ mở rộng quy mô sản xuất", ông cho hay.
Giải quyết vấn đề về vốn cho xuất khẩu cũng là kiến nghị được ông đưa ra trong phiên thảo luận. Theo ông, Chính phủ cần làm việc chặt chẽ với các ngân hàng, để người nông dân có cơ hội được cấp vốn.
Hoàn thiện cơ chế, hành lang pháp lý có tính ổn định là kiến nghị được ông Đàm Quang Thắng, Tổng Giám đốc công ty TNHH Agricare Việt Nam đưa ra, nhận được sự đồng tình của các đại biểu tại phiên thảo luận. ''Cần thu hút không chỉ doanh nghiệp lớn mà còn là cộng đồng doanh nghiệp vừa và nhỏ tham gia vào đầu tư nông nghiệp'', ông cho biết thêm.
Đồng quan điểm với TS Đặng Kim Sơn, ông Thắng cũng đưa ra kiến nghị về việc cần thành lập một ban hỗ trợ công tác thị trường để nắm được thông tin, nhu cầu và xác định hướng sản xuất.
Lấy ví dụ từ bài học về thương hiệu gạo xuất khẩu của Thái Lan, bà Vũ Kim Hạnh, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam Chất lượng cao cho rằng, để tháo gỡ bài toán nông nghiệp hiện nay, doanh nghiệp khi thực hiện theo thể chế cần có sự giám sát chặt chẽ.
''Hiện nay, doanh nghiệp làm gạo hữu cơ rất tốt nhưng không thể xuất khẩu, do thích xuất khẩu đại trà, không đảm bảo chất lượng''. Bà nêu lên thực trạng.
Tham gia với tư cách một khách mời, chuyên gia nông nghiệp Chuyên gia Nguyễn Thị Thành Thực mang đến diễn đàn phát biểu gây ấn tượng: "Nông sản Việt Nam như đang một cô gái đẹp đợi các chàng trai tán tỉnh". Theo bà, nông sản Việt còn thụ động, chờ người mua, muốn dẫn dắt thị trường thì người Việt cần dẫn dắt cả khâu sản xuất. Bà cho rằng thương mại điện tử sẽ là yếu tố dẫn dắt nền nông nghiệp.
Diễn đàn chuyên đề Nông nghiệp - Giải pháp phát triển thương mại cho nông sản Việt là sự kiện mở màn chuỗi chuyên đề trải dài từ tháng 5 và kết thúc vào tháng 12, nằm trong khuôn khổ Diễn đàn Kinh tế Việt Nam (Vietnam Economic Forum - ViEF).
ViEF 2018 chia thành 6 diễn đàn chuyên ngành. Khởi đầu bằng Nông nghiệp vào 5/6. Tiếp đến là diễn đàn về vốn và tài chính; du lịch; kinh tế số; logistic và nguồn nhân lực. Phiên toàn thể diễn ra vào tháng 12.
Phạm Vân