Trong chỉ thị ra ngày 6/2, Thủ tướng nhận định kết quả thi hành án năm sau cao hơn năm trước nhưng số lượng việc và tiền chuyển kỳ sau còn lớn, nhiều vụ kéo dài phức tạp. Nguyên nhân do năng lực, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, tinh thần trách nhiệm của một số lãnh đạo, công chức cơ quan thi hành án dân sự chưa đáp ứng yêu cầu, vẫn còn biểu hiện nhũng nhiễu, tiêu cực. Mặt khác số lượng việc, tiền thụ lý ngày càng tăng, tính chất phức tạp.
Thủ tướng yêu cầu 12 bộ, ngành gồm: Bộ Tư pháp, Công an, Quốc phòng, Tài chính, Kế hoạch đầu tư, Nội vụ, Thông tin truyền thông, Ngân hàng nhà nước, TAND Tối cao, VKSND Tối cao, Ủy ban nhân dân, Ủy ban Mặt trận tổ quốc phối hợp chặt chẽ trong giải quyết thi hành án.
Cơ quan điều tra các cấp phải kịp thời xác minh, truy tìm tài sản, áp dụng các biện pháp cần thiết nhằm ngăn chặn việc tẩu tán, hủy hoại tài sản của bị can và người liên quan trong các vụ án tham nhũng, đảm bảo tổ chức thi hành án có hiệu quả.
Người đứng đầu Chính phủ yêu cầu kịp thời chấn chỉnh các cơ quan công an thiếu tinh thần phối hợp, kiên quyết xử lý hình sự với những trường hợp cản trở, chống đối việc thi hành án, cố ý chây ỳ, không chấp hành án. Bộ Công an chỉ đạo các trại giam, cơ quan thi hành án hình sự thu tiền, tài sản với người đang chấp hành án tù phải bồi thường dân sự.
Bộ Tư pháp giải quyết dứt điểm các vụ việc có điều kiện thi hành, đặc biệt vụ việc trọng điểm, giá trị lớn, phức tạp; liên quan đến tín dụng, ngân hàng và án về tham nhũng...
TAND các cấp phải nhanh chóng giải quyết các tranh chấp yêu cầu về xác định phần sở hữu tài sản, phần quyền sử dụng đất của người phải thi hành án trong tài sản chung của hộ gia đình. Nếu có kiến nghị của cơ quan thi hành án dân sự, cơ quan này phải giải quyết kịp thời, giải thích bản án, quyết định tuyên không rõ.
Bảo Hà