Năm nay, Tổng cục Đường bộ được cấp hơn 4.300 tỷ đồng cho công tác bảo trì đường bộ, trong đó từ nguồn thu phí bảo trì của các phương tiện là hơn 2.590 tỷ đồng. Tổng cục Đường bộ đã chi sửa chữa định kỳ, bảo dưỡng thường xuyên các tuyến đường, khắc phục hư hỏng do bão lũ... Riêng chi phí bảo trì đường cao tốc TP HCM - Trung Lương là 110 tỷ đồng.
Theo ông Nguyễn Đức Thắng, Quyền tổng cục trưởng, công tác bảo dưỡng hệ thống quốc lộ đã thực hiện tốt hơn trước, đáp ứng cơ bản nhu cầu vận tải và được xã hội đánh giá là có chuyển biến tích cực. Chất lượng nhiều tuyến đã nâng lên như quốc lộ 9, quốc lộ 1 (đoạn Nghệ An - Quảng Trị, Quảng Ngãi - Khánh Hòa, Sóc Trăng - Cà Mau), đường Hồ Chí Minh (đoạn Quảng Nam - Kon Tum).
Tuy nhiên, còn có một số đơn vị thiếu kiểm tra và bảo dưỡng đường chưa tốt, bị nhắc nhở, chấn chỉnh như Khu quản lý đường bộ 2 (đối với quốc lộ 2, quốc lộ 5), khu quản lý đường bộ 7 với cao tốc TP HCM - Trung Lương, đường song hành khu vực cầu Mỹ Thuận...
Trong năm nay, để thực hiện các giải pháp cấp bách ngăn chặn tai nạn giao thông, Tổng cục Đường bộ đã được Chính phủ cấp bổ sung ngân sách gần 2.000 tỷ đồng để thay thế các biển báo đường bộ, xử lý hơn 200 điểm đen mất an toàn, lắp đặt 162 giải phân cách cứng, sửa chữa những hạng mục hư hỏng trên quốc lộ 1, 2, 6, 14...
Cao tốc TP HCM - Trung Lương khởi công từ 12/2004 và đưa vào khai thác từ 2/1010 với tổng chiều dài 62 km, trong đó tuyến đường cao tốc chính có chiều dài 39,8 km. Đường cao tốc TP HCM - Trung Lương nối TP HCM với các tỉnh Long An, Tiền Giang với tổng vốn toàn tuyến gần 10.000 tỷ đồng. Ngày 3/2/2010, tuyến nối từ Tân Tạo - Chợ Đệm dài 9,6 km và tuyến nối từ nút giao Bình Thuận - Chợ Đệm dài 2,2 km được đưa vào khai thác tạm thời. Sau hai tháng, hai tuyến nối với đường cao tốc chính đã bị lún và phải sửa chữa nhiều lần. |
Đoàn Loan