Ngày 10/11, Bộ Y tế trao bằng khen của Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến cho tập thể và 6 cá nhân tại Bệnh viện Đa khoa huyện Thạch Thất bởi thành tích xuất sắc cứu sống sản phụ bị vỡ tử cung đột phát. |
Chưa có ca mổ nào các bác sĩ Bệnh viện Đa khoa huyện Thạch Thất (Hà Nội) tiến hành khẩn cấp như ca phẫu thuật cho thai phụ Nguyễn Thị Tuyết tối 6/11. Chỉ trong vòng 11 phút kể từ khi người phụ nữ 22 tuổi mang thai 37 tuần nhập viện, chị đã được đưa vào phòng mổ, bỏ qua tất cả khâu thủ tục hành chính khác khi vào viện.
Bác sĩ chia sẻ giây phút cấp cứu sản phụ vỡ tử cung
Kể cả thai phụ cũng không ngờ tình trạng của mình nguy kịch như vậy. Nằm trong phòng hậu phẫu, sản phụ Tuyết vẫn còn bàng hoàng sau ca mổ cấp cứu vì mọi việc diễn ra quá nhanh. Sản phụ cho biết tối hôm ấy vừa ăn cơm xong đang rửa bát thì cảm giác đau nhẹ ở bụng, nghĩ do rối loạn tiêu hóa. Mẹ chồng thấy con dâu đau bụng, thai nhi tụt xuống nên giục vào viện ngay dù thai phụ không nghĩ mình chuyển dạ bởi ngày dự sinh là cuối tháng 11.
“Em không nghĩ tình trạng nghiêm trọng nên chồng dùng xe máy đưa em vào viện cách nhà 9 phút, em tự đi bộ ba tầng lầu lên khoa Sản, đến khi bác sĩ vừa khám đã vội vàng hô to "mổ cấp cứu ngay", em mới thấy sợ”, sản phụ trẻ chia sẻ.

Mẹ con sản phụ an toàn khỏe mạnh sau ca tai biến vỡ tử cung đột phát. Ảnh: N.P.
Bác sĩ Phạm Phi Long, Trưởng kíp trực ngoại - sản tối hôm đó nhớ lại, thăm khám ban đầu đã xác định ngay thai phụ bị vỡ tử cung tự phát bởi các dấu hiệu khá rõ ràng: sốc mất máu, tử cung nhão, may mắn thai nhi vẫn còn cử động. Khi ấy nhận định tính mạng sản phụ và thai nhi đang bị đe dọa từng phút, lãnh đạo bệnh viện đã chỉ đạo mổ khẩn cấp. Nếu phẫu thuật chậm trễ, chỉ vài phút nữa sẽ khó cứu cả mẹ lẫn con.
"Bệnh nhân được đưa vào phòng mổ khi chưa kịp làm bệnh án, xét nghiệm cũng như thủ tục tối thiểu cho một ca mổ cấp cứu. Tổng thời gian từ lúc sản phụ vào viện đến khi lên bàn mổ là 11 phút. Trong quá trình phẫu thuật, chúng tôi thấy mặt sau tử cung có hai đường vỡ", bác sĩ Long chia sẻ.
Kíp phẫu thuật tiến hành lấy thai ngay, một đội xử trí cấp cứu thai nhi ổn định, đội khác cố gắng bảo tồn tử cung vì sản phụ còn rất trẻ, mang thai lần đầu. Bệnh viện đã hội chẩn với các bác sĩ Bệnh viện Phụ sản Hà Nội và quyết định khâu tử cung cho sản phụ thay vì cắt bỏ.
Bác sĩ Vương Trung Kiên, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Thạch Thất cho biết, khâu đường vỡ mặt sau tử cung cho sản phụ là một kỹ thuật khó, đặc biệt với các bác sĩ tuyến huyện. Ca mổ kéo dài 90 phút, hiện sức khỏe của cả mẹ và con đều ổn định. Bé gái chào đời nặng 2,5 kg. Dự kiến 3-4 ngày nữa, hai mẹ con có thể xuất viện.

Ông Nguyễn Đình Anh, Vụ trưởng Truyền thông - Thi đua và Khen thưởng trao bằng khen của Bộ trưởng Y tế cho tập thể y bác sĩ Bệnh viện Đa khoa huyện Thạch Thất. Ảnh: N.P.
Theo bác sĩ Trần Văn Phúc, Bệnh viện Saint Paul (Hà Nội), vỡ tử cung khi có thai là tình trạng hiếm gặp nhưng đặc biệt thảm khốc, đe dọa tính mạng cả người mẹ và thai nhi, là một diễn biến đáng sợ với bác sĩ. Chẩn đoán xác định thường rất khó, lại đòi hỏi phải xử trí nhanh và dứt khoát. Nguyên nhân vỡ thường liên quan đến tiền sử mổ đẻ cũ, có nạo hút thai trước đó, chấn thương do tai nạn hoặc bị bạo hành, tử cung bé hơn bình thường hay còn gọi là nhi tính. Những trường hợp thai to, ngôi ngang, hay người mẹ tự ý dùng thuốc đặt âm đạo để đẻ đúng ngày đúng giờ, cũng có thể là nguyên nhân gây vỡ tử cung.