Một số ngân hàng lớn tham gia gửi tiền là JPMorgan Chase, Bank of America, Wells Fargo, Citigroup và Truist. Khoản tiền 30 tỷ USD này sẽ giúp First Republic Bank có số tiền mặt cần thiết để đáp ứng nhu cầu rút ra của khách hàng, đồng thời củng cố niềm tin vào hệ thống ngân hàng Mỹ trong thời kỳ biến động.
Trong thông báo chung, các ngân hàng lớn cho biết động thái của họ "cho thấy sự tự tin vào First Republic và tất cả ngân hàng khác". Họ khẳng định "các nhà băng quy mô lớn, trung bình, nhỏ đều quan trọng với hệ thống tài chính".
Cổ phiếu First Republic đã bị ngừng giao dịch vài lần trong phiên 16/3. Tuy nhiên, sau thông tin được rót tiền, mã này tăng vọt, chốt phiên lên hơn 10%.
Nhà băng này gặp rắc rối sau vụ Silicon Valley Bank và Signature Bank bị đóng cửa. Tệp khách hàng của họ cũng tương tự Silicon Valley Bank.
Bên cạnh đó, cũng như nhiều ngân hàng địa phương tại Mỹ, First Republic có lượng lớn tiền gửi không được bảo hiểm, do vượt mức quy định 250.000 USD của Công ty bảo hiểm tiền gửi liên bang Mỹ (FDIC). Theo S&P Global, First Republic có khoảng 68% tiền gửi không được bảo hiểm.
Lo sợ bị mất tài sản, nhiều người đã ồ ạt rút tiền khỏi First Republic vài ngày qua. Việc này khiến nhà băng phải vay tiền hoặc bán tài sản để có tiền mặt trả cho khách hàng.
Thông thường, để sinh lời, các ngân hàng sẽ dùng một phần tiền gửi để cho vay. Tuy nhiên, S&P Global cho biết First Republic có hệ số cho vay trên tiền gửi lên tới 111%. Việc này đồng nghĩa họ đang cho vay lớn hơn số tiền gửi hiện có.
Phiên 13/3, cổ phiếu First Republic có thời điểm giảm hơn 60%, do niềm tin của nhà đầu tư vào các ngân hàng lung lay. Tính chung từ đầu tuần, cổ phiếu ngân hàng này đã giảm hơn 60%, kéo vốn hóa từ 21 tỷ USD một tuần trước về 5 tỷ USD hiện tại. First Republic có tài sản 213 tỷ USD, tính đến ngày 13/3. Hôm 15/3, hai hãng đánh giá tín nhiệm Fitch Ratings và S&P Global Ratings đều hạ xếp hạng của First Republic Bank do lo ngại người gửi rút tiền khỏi đây.
Tình hình này khiến giới chức Mỹ phải can thiệp. Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen hôm 16/3 đã gặp riêng JPMorgan CEO Jamie Dimon, nguồn tin của CNN cho biết. Bà là người đưa ra đề xuất về việc các ngân hàng lớn cùng gửi tiền vào First Republic. Trong thông báo sau đó, Bộ Tài chính Mỹ khẳng định: "Sự ủng hộ của các nhà băng lớn là động thái đáng hoan nghênh, cho thấy sự vững chắc của hệ thống ngân hàng".
Hà Thu (theo CNN)