Đến ngày tốt nghiệp Học viện Quân y tháng 7/2023, trung úy Hà Văn Quyền và Võ Tùng Dương đã chung chặng đường hơn 10 năm, khi vừa là đồng hương Nghệ An, đồng môn, đồng đội, đồng nghiệp. Hai bác sĩ quân y tuổi 25 đang làm tại Ban Nội, Đội điều trị 78 thuộc Vùng 5 Hải quân đóng ở Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang.
Trong chuyến công tác trên vùng biển Tây Nam trước Tết Giáp Thìn, hai bác sĩ nhận nhiệm vụ chăm sóc đoàn đi chúc Tết dân quân các đảo ven bờ Cà Mau, Kiên Giang. Lần đầu đi biển, hai chàng trai lớn lên ở miền núi xứ Nghệ mệt lử vì sóng gió. Nhưng khi trên tàu có người say sóng bỏ cơm, cả hai thay nhau chăm sóc y tế, cấp thuốc, kiểm tra sức khỏe.
Nhà ở hai bên bờ sông Lam, Dương và Quyền học chung trường THPT Anh Sơn 2, huyện Anh Sơn. Đôi bạn luôn chọn ngồi bàn cuối, tự nhận "học sinh cá biệt" vì tiết Văn thường mang Toán, Lý, Hóa, Sinh ra học. Dương từng giành giải nhì môn Sinh kỳ thi học sinh giỏi tỉnh, Quyền đoạt giải ba môn Vật lý.
Cả hai định hướng nghề nghiệp khá sớm và đều chọn thi vào trường của lực lượng vũ trang vì sở thích và một phần từ ý nguyện gia đình muốn con có công việc ổn định. Nhưng khác với Dương kiên định muốn trở thành bác sĩ quân y ngay từ lớp 10, Quyền cân nhắc giữa làm công an hay bác sĩ.
Đạt 27,5 điểm khối A kỳ tuyển sinh năm 2016, Quyền đủ sức vào cả Học viện An ninh và Quân y, cuối cùng lựa chọn công an. Nhưng khi Công an huyện Anh Sơn trên đường xuống TP Vinh nộp giấy báo điểm về công an tỉnh, Quyền thay đổi quyết định, nhờ giữ giấy lại để chuyển sang Học viện Quân y.
"Chậm khoảng 15 phút thì cuộc đời em đã rẽ sang hướng khác", bác sĩ Hà Văn Quyền kể về quyết định phút chót 8 năm trước, bởi tin rằng "trở thành bác sĩ sẽ làm được nhiều điều mình muốn".
Khi Quyền báo tin chuyển nguyện vọng vào quân y, Dương chọc bạn "không nỡ xa mình nên quay xe". Cuộc đời quân ngũ của đôi bạn thân trước cùng bàn, sau cùng tiểu đội bắt đầu bằng kỳ huấn luyện nửa năm ở trường Sĩ quan Lục quân 1 với những lần vác balo leo đồi hành quân, báo động chiến đấu lúc nửa đêm.
Trong đại dịch Covid-19, các đợt tiếp sức cho Bắc Giang, Bắc Ninh, TP HCM chống dịch trở thành ký ức đáng nhớ nhất của hai quân nhân. Các sinh viên năm thứ 5 chuyên ngành Bác sĩ đa khoa vừa kịp bổ túc kiến thức về Covid-19 đã theo đoàn Học viện Quân y đi vào hai tâm dịch Bắc Giang, Bắc Ninh, tháng 5/2021.
Dương về Bắc Giang làm việc trong phòng xét nghiệm Covid-19, còn Quyền về Bắc Ninh chuyên đi lấy mẫu ở khu công nghiệp Yên Phong. Những thanh niên tuổi đôi mươi có lúc kiệt sức dưới cái nóng gần 40 độ C trong bộ đồ bảo hộ cấp bốn, khuôn mặt đỏ bừng, lằn sâu vết khẩu trang sau nhiều giờ tách chiết mẫu. Kết thúc 52 ngày làm nhiệm vụ ở tâm dịch, cả hai sút cân, da bong tróc vì nóng.
Tháng 8/2021, Quyền và Dương lại chi viện TP HCM chống dịch. Trước ngày đi, nhóm bạn thân tập trung ở căng tin gọi vài chai nước, dặn dò nhau cẩn thận do đợt dịch này quy mô, phức tạp hơn. "Không ai sợ vì sợ thì đã không đi, đứa nào cũng có chút kinh nghiệm chống dịch rồi. Điều tụi em lo là số ca nhiễm lớn mà hệ thống y tế quá tải", bác sĩ Võ Tùng Dương kể lại.
Thời điểm đó, hơn 2.300 y bác sĩ tuyến đầu bị lây nhiễm, có người tử vong tại TP HCM, Bình Dương - một trong hai nơi mà họ sắp đến, theo thống kê của Công đoàn Y tế.
Cả hai cùng vào tổ quân y lưu động xuống cơ sở, Quyền ở TP Thủ Đức còn Dương đi Nhà Bè, Hóc Môn, quận 12. Học viên quân y cùng nhân viên y tế phường xã đảm nhiệm từ lấy mẫu xét nghiệm, tiêm vaccine đến điều trị F0 tại nhà, khám chữa bệnh thông thường, cấp cứu, hộ sinh... Một tháng sau, Dương tăng cường về tỉnh Kiên Giang, Quyền lại chuyển sang quận Tân Phú.
Hai lần đồng hành chống dịch tổng cộng hơn 100 ngày giúp các bác sĩ tương lai hiểu rõ hơn về công việc. 50 học viện Quân y niên khóa 2016-2023 tốt nghiệp tháng 7/2023, muộn gần một năm so với chương trình vì đại dịch làm gián đoạn. "Khi tốt nghiệp, cả lớp chuẩn bị tinh thần mỗi người một ngả, không biết sẽ về đâu mà theo sự phân công của quân đội", Dương nhớ lại.
Ngày ra trường, Quyền và Dương đều được phong hàm trung úy. Trong lễ liên hoan chia tay, Quyền bá vai bạn, chúc về đơn vị mới công tác tốt, liền nhận được lời hồi đáp từ Dương "thế là đời tôi cuối cùng cũng được dứt khỏi bạn".
Nhưng 11 ngày sau, cả hai bật cười khi cùng nhận quyết định về Vùng 5 Hải quân công tác, xác định "lại đồng hành ít nhất mấy năm nữa".
Sau bảy năm, hai gia đình ở đôi bờ sông Lam một lần nữa liên hoan chung tiễn con cái vào Phú Quốc nhận công tác. Lần này, Quyền và Dương đều có bạn gái đi cùng trên chặng đường gần 2.000 km. Những cô gái cùng làm việc trong ngành y, gắn bó với họ từ thời sinh viên.
Ngày tiếp nhận hai bác sĩ mới, trung tá quân y Trần Sĩ Diện, Đội trưởng Đội điều trị 78, mừng vì "hai khuôn mặt sáng láng" và càng ngạc nhiên khi biết Dương và Quyền là bạn học phổ thông, cùng đỗ quân y rồi lại về một đơn vị công tác.
Cả hai được chỉ huy giao nhiệm vụ phối hợp với đơn vị trong Vùng 5 chăm sóc sức khỏe quân nhân, các đoàn công tác cuối năm. Năng lực chuyên môn của họ dần thể hiện qua xử lý một số ca cấp cứu, trong đó có ca sốc phản vệ mức độ 3 - cấp độ nguy hiểm. "Trong chuyên môn, cả hai phối hợp rất ăn ý", trung tá Diện nhận xét.
Dương đang đợi bạn gái yêu 6 năm lấy chứng chỉ hành nghề rồi tính chuyện kết hôn. Anh thấy may mắn khi ngoài bạn gái còn có cậu bạn thân luôn đồng hành dù tính cách, sở thích trái ngược. Dương sôi nổi, Quyền trầm tính. Quyền món gì cũng nấu được, còn Dương chỉ biết chế biến gà, từ luộc đến rang rồi xáo nghệ.
Đôi bạn có lúc ganh đua học tập, nhưng luôn ủng hộ nhau, cùng thảo luận về kiến thức y học sau mỗi ca hội chẩn, lâm sàng, phụ mổ... Cho đến giờ, cả hai chia sẻ "chỉ cần đứa này liếc mắt một cái là đứa kia biết chuẩn bị nói gì".
Hoàng Phương