Bộ Luật Lao động (sửa đổi) được Quốc hội thông qua tại kỳ họp 8, tháng 11/2019 và có hiệu lực từ đầu năm nay, nêu rõ số giờ làm thêm của người lao động không quá 50% số giờ làm việc bình thường mỗi ngày. Nếu doanh nghiệp tính giờ làm việc theo tuần, tổng số giờ làm việc và làm thêm không quá 12 giờ mỗi ngày; không quá 40 giờ mỗi tháng; không quá 200 giờ mỗi năm. Doanh nghiệp chỉ được sử dụng lao động làm thêm giờ khi có sự đồng ý của người lao động.
Các ngành, nghề được làm thêm đến 300 giờ mỗi năm gồm: Sản xuất dệt, may, da, giày, điện, điện tử, chế biến nông, lâm, diêm nghiệp, thủy sản; sản xuất, cung cấp điện, viễn thông, lọc dầu; cấp, thoát nước; công việc đòi hỏi lao động trình độ chuyên môn kỹ thuật cao mà thị trường không cung ứng đầy đủ.
Những công việc cần giải quyết cấp bách, không thể trì hoãn vì có tính thời vụ; thiên tai, hoả hoạn, thiếu điện, sự cố dây chuyền sản xuất..., cũng được làm thêm đến 300 giờ mỗi năm.
Ngoài ra, theo Bộ Luật Lao động (sửa đổi), từ năm nay ngoài 10 ngày nghỉ theo quy định hiện hành (gồm Tết Dương lịch, Tết âm lịch, ngày thống nhất đất nước, Quốc tế lao động, Quốc khánh, Giỗ tổ Hùng Vương), người lao động sẽ có thêm một ngày nghỉ vào dịp Quốc khánh. Chính phủ lựa chọn ngày nghỉ vào 1/9 hoặc 3/9 tuỳ theo lịch từng năm.
Một luật được Quốc hội thông qua tại kỳ họp 8 cũng có hiệu lực thi hành từ 1/1/2021 là Luật Chứng khoán sửa đổi. Luật quy định 7 biện pháp bảo đảm an ninh, an toàn thị trường chứng khoán, trong đó có việc ứng phó, khắc phục sự cố, sự kiện, biến động ảnh hưởng đến an toàn, ổn định và tính toàn vẹn của thị trường; phong tỏa tài khoản chứng khoán, yêu cầu người có thẩm quyền phong tỏa tài khoản tiền có liên quan đến vi phạm pháp luật về chứng khoán...
Trong số 10 luật được Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 9 (tháng 6/2020), 9 luật có hiệu lực từ 1/1/2021.
Trong đó, Luật Đầu tư (sửa đổi) khai tử dịch vụ đòi nợ thuê khi đưa loại hình này vào ngành nghề cấm kinh doanh. Luật cũng bổ sung quy định chấm dứt hoạt động của dự án đầu tư trên cơ sở giao dịch giả tạo về vốn, tạo cơ sở pháp lý để xử lý các trường hợp đầu tư chui, núp bóng; cấm đầu tư kinh doanh các chất ma túy; hóa chất, động, thực vật hoang dã...
Đặc biệt, Luật quy định rõ việc xem xét các điều kiện an ninh, quốc phòng trong trường hợp nhà đầu tư nước ngoài đầu tư theo hình thức thành lập doanh nghiệp, góp vốn, mua cổ phần; mua phần vốn góp tại các doanh nghiệp ở đảo, xã, phường, thị trấn biên giới, ven biển hoặc các khu vực nhạy cảm về an ninh, quốc phòng.
Nhiều ngành, nghề ưu đãi đầu tư cũng được bổ sung, gồm: Giáo dục đại học; Sản xuất các sản phẩm hình thành từ kết quả khoa học và công nghệ theo quy định của pháp luật về khoa học và công nghệ; Sản xuất sản phẩm thuộc Danh mục sản phẩm công nghiệp hỗ trợ ưu tiên phát triển; Bảo quản thuốc, sản xuất trang thiết bị y tế; Sản xuất hàng hóa, cung cấp dịch vụ tạo ra hoặc tham gia chuỗi giá trị, cụm liên kết ngành.
Luật Xây dựng (sửa đổi), miễn giấy phép xây dựng cho chín loại công trình, trong đó có nhà ở riêng lẻ quy mô dưới 7 tầng thuộc dự án đầu tư xây dựng khu đô thị, dự án đầu tư xây dựng nhà ở có quy hoạch chi tiết 1/500 đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt.
Công trình xây dựng ở nông thôn và nhà ở riêng lẻ thuộc khu vực không có quy hoạch đô thị, xây dựng khu chức năng, điểm dân cư nông thôn..., cũng thuộc diện miễn giấy phép xây dựng.
Luật Thanh niên (sửa đổi) dành một chương riêng quy định trách nhiệm của thanh niên đối với Tổ quốc, Nhà nước và xã hội, gia đình và bản thân thanh niên.
Theo đó, thanh niên phải phát huy truyền thống dựng nước và giữ nước của dân tộc; xung kích, sáng tạo, đi đầu trong công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; sẵn sàng bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ độc lập, giữ vững chủ quyền, an ninh quốc gia, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ; đảm nhận công việc khó khăn, gian khổ, cấp bách khi Tổ quốc yêu cầu...
Theo Luật Giám định tư pháp (sửa đổi), từ năm 2021, Phòng Kỹ thuật hình sự thuộc Viện KSND tối cao được bổ sung chức năng giám định tư pháp. Đây là tổ chức giám định tư pháp công lập về kỹ thuật hình sự với nhiệm vụ giám định về âm thanh, hình ảnh từ các dữ liệu điện tử.
Quy định này sẽ đáp ứng yêu cầu cấp thiết trong điều tra, xử lý tội phạm tham nhũng, xâm phạm hoạt động tư pháp; đáp ứng kịp thời nhu cầu về giám định âm thanh, hình ảnh thu thập trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử; không làm tăng biên chế ngành kiểm sát.
Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án tạo nền tảng pháp lý quan trọng trong việc thiết lập cơ chế mới để giải quyết tranh chấp dân sự, khiếu kiện hành chính. Luật quy định 9 nguyên tắc hòa giải, đối thoại tại Tòa án; trong đó ba nguyên tắc quan trọng nhất là tự nguyện, bảo mật thông tin và linh hoạt trong hòa giải.
Theo Ủy ban Tư pháp của Quốc hội, trong bối cảnh án lĩnh vực dân sự, hôn nhân gia đình, lao động, kinh doanh thương mại ngày càng tăng về số lượng; tính chất ngày càng phức tạp, gay gắt thì việc hướng tới xây dựng một cách giải quyết các tranh chấp đó theo con đường hòa giải đối thoại là việc rất cần thiết.
Trong Luật Doanh nghiệp (sửa đổi), khái niệm doanh nghiệp Nhà nước đã được định nghĩa lại. Theo đó, doanh nghiệp Nhà nước là doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ, tổng số cổ phần có quyền biểu quyết, thay vì tỷ lệ tuyệt đối 100% như trước.
So với Luật cũ, Luật Doanh nghiệp mới nới lỏng các điều kiện gia nhập thị trường, giảm bớt thủ tục, trao quyền cho doanh nghiệp nhiều hơn. Luật cũng tạo bước tiến về quản trị doanh nghiệp, trao quyền cho cổ đông chống xung đột lợi ích, đặc biệt là vấn đề lạm dụng quyền cổ đông lớn gây thiệt hại cho cổ đông nhỏ.
Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) quy định, các dự án BT (hợp đồng xây dựng - chuyển giao) chưa được phê duyệt chủ trương đầu tư sẽ dừng thực hiện từ 15/8. Theo đó, việc đổi đất lấy hạ tầng sẽ được chấm dứt.
Luật PPP cũng khu biệt 5 lĩnh vực thiết yếu nhằm tập trung nguồn lực, gồm: giao thông; lưới điện, nhà máy điện (trừ nhà máy thủy điện và trường hợp nhà nước độc quyền theo quy định của Luật Điện lực); thủy lợi, cung cấp nước sạch, thoát nước, chất thải; y tế, giáo dục đào tạo; hạ tầng công nghệ thông tin.
Theo Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (sửa đổi), từ năm 2021, sẽ có thêm ba trường hợp được xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật theo thủ tục rút gọn.
Đó là trường hợp cần ban hành ngay văn bản quy phạm pháp luật để thực hiện điều ước quốc tế có liên quan mà Việt Nam là thành viên; trường hợp cần bãi bỏ một phần hoặc toàn bộ văn bản quy phạm pháp luật trái pháp luật hoặc không còn phù hợp với tình hình phát triển kinh tế - xã hội; trường hợp cần kéo dài thời hạn áp dụng toàn bộ hoặc một phần của văn bản quy phạm pháp luật trong một thời hạn nhất định để giải quyết những vấn đề cấp bách phát sinh trong thực tiễn.
Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội thì quy định, từ khóa XV, tỷ lệ đại biểu hoạt động chuyên trách được nâng lên ít nhất 40%, tăng 5% so với luật hiện hành. Tiêu chuẩn đối với đại biểu Quốc hội cũng được nâng cao hơn so với hiện hành, như am hiểu toàn diện các vấn đề kinh tế - xã hội, có khả năng tranh luận, tư duy phản biện, kỹ năng biểu đạt ý kiến...