Các em được cô giáo chủ nhiệm và gia đình đưa đến Trung tâm y tế huyện Nghi Xuân cấp cứu. Ông Lê Viết Hùng, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Nghi Xuân, cho biết các bệnh nhân có chung triệu chứng đau bụng và nôn, chẩn đoán bị ngộ độc do ăn hạt quả ngô đồng.
Hơn 20 bác sĩ trung tâm y tế cùng một bác sĩ Khoa Cấp cứu Chống độc, Bệnh viện Nhi Trung ương, phối hợp cấp cứu các cháu, gây nôn, rửa dạ dày, truyền dịch và giải độc.
"Hơn một giờ cấp cứu, các bệnh nhân dần ổn định sức khỏe, không có trường hợp nguy kịch, dự kiến ngày mai sẽ xuất viện", bác sĩ Hùng nói.
Bác sĩ khuyến cáo hạt cây ngô đồng có chất curcin, là độc tố chính gây độc cho đường tiêu hóa và gan. Người ăn sẽ bị đau đầu, nôn mửa, tiêu chảy. Ngộ độc nặng có thể gây xuất huyết đường tiêu hóa, rối loạn thần kinh. Nếu trẻ không may ăn phải hạt cây ngô đồng, cần phải gây nôn và đưa tới cơ sở y tế gần nhất.
Cây ngô đồng, tên khoa học là Hura crepitans L., thuộc họ thầu dầu Euphorbiaceae, còn được gọi là mã đầu, vông đồng hoặc ba đậu tây. Cây có nguồn gốc từ châu Mỹ, được trồng phổ biến ở hầu hết nước nhiệt đới làm cây bóng mát ven đường và vườn hoa. Trong hạt có 37% là chất dầu béo, hơn 25% protein, thành phần còn có chất tẩy và độc nên các nước chủ yếu dùng làm phân bón, cũng không thể làm thức ăn cho gia súc.
Tại Congo (châu Phi), hạt cây được dùng làm thuốc tẩy với liều hai đến ba hạt trong ngày, cao hơn có thể gây ngộ độc chết người.
Nhựa của cây ngô đồng cũng có độc, nếu vô tình để bắn vào mắt có thể gây sưng đỏ. Người dân Java (Indonesia) thường sử dụng nhựa cây làm thuốc trừ sâu; còn người Brazil dùng nước sắc vỏ thân với liều 1-5 g chữa hủi, nước sắc này có tác dụng tẩy mạnh.
Đông y dùng vỏ cây ngô đồng làm thuốc tẩy, trị táo bón, chữa mụn nhọt, có thể sắc nước uống. Tuy nhiên, nhựa và hạt của cây chứa chất dầu, độc, ảnh hưởng đến đường tiêu hóa và gan, nên nếu ăn phải sẽ đau bụng, tiêu chảy, buồn nôn.
Ngô đồng được trồng trong khuôn viên nhiều trường ở Nghệ An, Hà Tĩnh. Những năm qua trên địa bàn đã xảy ra nhiều vụ học sinh bị ngộ độc tập thể do ăn hạt ngô đồng. Năm 2017, 37 học sinh khối 6 và 7 ở huyện Quỳ Châu, Nghệ An, bị ngộ độc. Cùng năm có 9 học sinh lớp 2 trường Tiểu học Tân Giang, thành phố Hà Tĩnh, ngộ độc sau ăn hạt ngô đồng. Năm 2018, có 7 học sinh lớp 1 trường tiểu học Kỳ Tân ở Nghệ An bị ngộ độc.
Chính quyền địa phương sau đó quyết định chặt bỏ cây ngô đồng và cả các cây có thể gây ngộ độc trồng trong trường học. Bộ Y tế cũng khuyến cáo một số loại cây, hoa có chứa chất gây độc hoặc nghi ngờ gây độc thường gặp như cây ngô đồng, cây thầu dầu...
Đức Hùng