Buổi lễ trao tặng gia phả diễn ra ngày 18/2 tại xã nông thôn mới Tân Thông Hội, huyện Củ Chi, TP HCM. Nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải đến tham dự và trao tận tay gia phả cho từng đại diện họ tộc.
Vốn sinh ra ở xã Tân Thông Hội, huyện Củ Chi, ông Phan Văn Khải chia sẻ, mỗi bộ gia phả là một quá trình lịch sử của dòng họ. Vì thế, việc ghi chép gia phả giúp bà con trong họ tộc biết đến nguồn cội, thắt chặt tình đoàn kết, giữ gìn những truyền thống quý báu của cha ông.
11 bộ gia phả được tặng cho bà con ở Củ Chi. Ảnh: Thất Sơn. |
Cầm quyển gia phả họ Lê vừa được trao tặng, ông Lê Văn Cượng, 63 tuổi, đại diện họ tộc này không khỏi xúc động. Ông cho biết, họ nhà mình vốn từ Quảng Bình di cư đến đất Củ Chi từ xa xưa. Từ trước đến nay, người nhà ông đều ghi chép lại gia phả như cách nhắc nhở con cháu về nguồn cội. Nhưng công việc ấy còn được thực hiện thủ công, chưa hệ thống trọn vẹn... "Cuốn gia phả được tặng hôm nay thật quý. Tôi sẽ để nó trang trọng trong nhà để con cháu mỗi khi cần có thể giở ra tìm hiểu".
Xã Tân Thông Hội ở huyện Củ Chi, TP HCM được Trung ương chọn là nơi thí điểm xây dựng nông thôn mới của cả nước. Vì thế, Hội Khoa học lịch sử TP HCM, Trung tâm nghiên cứu và thực hành gia phả TP HCM đã chọn 11 chi họ cố cựu nhất ở đây để thực hiện 11 bộ gia phả và trao tặng cho họ.
Công việc thực hiện gia phả được các thành viên của Trung tâm phân thành các tổ chuyên môn, triển khai từ ngày 26/3/2011. Sau khi tìm hiểu tài liệu về 11 dòng họ, các chuyên viên của trung tâm đi điền dã, gặp gỡ trực tiếp bà con ở Củ Chi và nhiều nơi để phỏng vấn nhằm tìm hiểu nguồn cội của các họ tộc. Công việc này được thực hiện khá cẩn thận như ghi phả hệ, khảo sát mồ mả, đình chùa, nhà thờ họ, nghiên cứu địa bạ, lịch sử địa phương.
Sau 9 tháng điền dã, nghiên cứu tư liệu và viết, đến cuối tháng 12/2011, bản thảo sách gia phả hoàn tất và được chuyển cho các họ tộc thẩm định, chỉnh sửa lần cuối, sau đó được mang đi in ấn làm quà tặng cho bà con.
Nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải (trái) tặng sách gia phả cho đại diện các họ tộc. Ảnh: Thất Sơn. |
Bà Đoàn Lê Phong, người phụ trách thực hiện gia phả về dòng họ Phan, họ Lê chia sẻ: "Mỗi cuốn gia phả chẳng khác nào cuốn sử họ tộc, sẽ bổ sung những chi tiết thú vị vào lịch sử đất nước".
Chẳng hạn, ngay từ đầu thế kỷ 20, tại vùng đất Củ Chi đã có những phụ nữ đấu tranh đòi quyền bình đẳng giới như chuyện nhà ông Lê Văn Hào. Bà vợ ông này sinh 6 người con nhưng buộc nhà chồng phải để cho 3 người con theo họ mẹ, 3 người con theo họ cha cho công bằng.
Để thoát nghèo, bà này đặt ra kế hoạch một ngày ăn một bát cơm kèm hai bát rau, dành tiền mua đất. Sau này, nhà họ Lê có thật nhiều đất đai chia cho con cháu.
Thất Sơn