Ngày 1/8, bác sĩ Sấn Văn Cương, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Đồng Văn, cho biết các bé sống ở hai thôn khác nhau. Nhóm đầu tiên gồm ba trẻ 7 tới 9 tuổi, trong khi đi cắt cỏ cho bò đã rủ nhau hái quả hồng trâu ăn, sau đó đau đầu, hoa mắt chóng mặt, nôn ói.
Nhóm thứ hai là 8 trẻ từ 3 đến 11 tuổi, hôn mê, nôn ói đau đầu, đau bụng sau khi ăn loại quả này.
Các bác sĩ chẩn đoán các cháu ngộ độc chất alkaloid trong quả hồng trâu, xử trí thải độc, gây nôn, truyền dịch, lợi tiểu. Trong số này, 5 bé nặng diễn biến suy gan thận phải chuyển bệnh viện tỉnh. 6 bé còn lại tiếp tục được theo dõi, chưa nguy hiểm tính mạng.
Quả hồng trâu tên khoa học là capparis versicolor griff, thường mọc ở vùng núi đá, thuộc dạng dây leo, vỏ thân màu xanh nhạt, có gai nhọn, cứng. Lá to dài gần bằng hai ngón tay người lớn, màu xanh đậm. Quả tròn to cỡ trứng gà, vỏ nhẵn mượt không có lông. Quả non màu xanh nhạt, khi chín vỏ có màu tím và hơi mềm. Mỗi quả 4-6 hạt, các hạt có một lớp cùi màu trắng đục, nhiều nước, mềm bao bọc, bên trong cùi có một hạt to bằng hạt ngô, màu tím và hơi dẹt. Quả chín vào khoảng tháng 7 đến tháng 10.
Độc tố chính của quả hồng trâu là alkaloid, chứa chủ yếu trong nhân hạt, tác động chủ yếu lên tế bào cơ tim và gây phù phổi cấp dẫn đến suy hô hấp, trụy tim mạch. Một số hoạt chất khác trong quả có thể gây tổn thương cơ quan khác như gan, thận...
Hiện chưa có thuốc điều trị đặc hiệu ngộ độc hồng trâu, chủ yếu là điều trị căn nguyên và triệu chứng. Trẻ có biểu hiện ngộ độc cần gây nôn, rửa dạ dày càng sớm càng tốt, uống than hoạt, tăng cường thải độc tố, duy trì chức năng sống bằng cách trợ tim mạch, trợ hô hấp, suy gan chống co giật, chống phù phổi cấp.
Lê Nga