Cuộc thi diễn ra trong hai ngày 19-20/6 tại Đà Nẵng, muộn hơn ba tháng so với năm ngoái do ảnh hưởng Covid-19. Ngoài 11 giải nhất, ban tổ chức trao 16 giải nhì, 21 giải ba và 27 giải tư cho các nhóm học sinh trên cả nước.
Nhiều dự án đoạt giải nhất có tính ứng dụng cao như: Máy thâm canh các loại cây họ đậu công nghệ cao của học sinh trường THPT Nguyễn Trãi (Hải Dương); Thiết kế thiết bị hỗ trợ cho học sinh mù, khiếm thị lớp 1 học chữ nổi của học sinh trường THPT Nhơn Trạch (Đồng Nai); Thiết kế và tối ưu hóa cánh tay robot hỗ trợ người khuyết tật của học sinh THPT chuyên Lê Quý Đôn (Quảng Trị).
Đánh giá về chất lượng các dự án của học sinh dự thi Khoa học kỹ thuật quốc gia, GS Nghiêm Ngọc Minh, Trưởng Ban giám khảo, cho biết các lĩnh vực nghiên cứu được học sinh lựa chọn dự thi phong phú. Nhiều dự án có nội dung và phương pháp nghiên cứu phù hợp, thực hiện kế hoạch nghiên cứu, ghi chép nhật trình và trình bày báo cáo theo đúng yêu cầu của một công trình khoa học.
"Một số đề tài dự án đã tiếp cận những vấn đề mới, có tính khái quát hoặc cần những kỹ thuật cao được thực hiện trong các phòng thí nghiệm hiện đại. Điều này giúp rèn luyện và nâng cao năng lực nghiên cứu khoa học cho học sinh", ông Minh nói.
Thứ trưởng Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Hữu Độ chúc mừng các dự án đã đạt giải, yêu cầu các trường phổ thông khuyến khích học sinh nghiên cứu khoa học, tiếp tục khơi dậy niềm đam mê sáng tạo cho các em, đồng thời đẩy mạnh đổi mới cách dạy, cách học, hướng tới phát triển, phẩm chất năng lực cho học sinh.
Thứ trưởng cũng yêu cầu các trường tiếp tục đẩy mạnh việc kết nối với các trường đại học, cao đẳng và các doanh nghiệp để cùng hỗ trợ nghiên cứu khoa học cho học sinh, tăng cường giáo dục STEM trong trường học.
Cuộc thi Khoa học kỹ thuật dành cho học sinh trung học năm nay có sự tham gia của 253 học sinh thuộc 61 Sở Giáo dục và Đào tạo, một trường phổ thông trực thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo và 6 trường đại học. Trong số 137 dự án tham gia, học sinh cấp THPT có 120 dự án ở 20 lĩnh vực, cấp THCS có 17. Tất cả đều được tuyển chọn từ cấp tỉnh/thành và từ các đại học. Mỗi đơn vị được chọn hai dự án, riêng Hà Nội, TP HCM và Đà Nẵng được chọn bốn.
Năm học 2020-2021, cuộc thi sẽ được tổ chức tại Thừa Thiên Huế.
Danh sách 11 đề tài đoạt giải nhất
1. "Nghiên cứu mối liên quan của đa hình đơn nucleotide với ung thư vòm họng để đánh giá nguy cơ của đối tượng nhiễm EBV trong cộng đồng" của Trần Thảo Linh, Ngô Nhật Hiếu, trường THPT chuyên Khoa học tự nhiên, Đại học Khoa học tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội.
2. "Nghiên cứu chế tạo vật liệu đa chức năng kích thước nano định hướng ứng dụng trong chẩn đoán và điều trị ung thư" của Đinh Lan Chi, Hoàng Đức Minh, trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam, Hà Nội.
3. "Cảm nhận cuộc sống của trẻ em bán hàng rong người dân tộc thiểu số ở Sa Pa" của Bùi Nguyên Nghĩa, Đặng Phương Linh, trường THPT chuyên Lào Cai.
4. "Thiết kế và tối ưu hóa cánh tay robot hỗ trợ người khuyết tật" của Dương Phúc Hiếu, Thái Việt Nhật, trường THPT chuyên Lê Quý Đôn, Quảng Trị.
5. "Nghiên cứu, phân lập và tuyển chọn một số chủng vi khuẩn bản địa có hoạt tính sinh học ứng dụng trong xử lý ô nhiễm chất thải hữu cơ tại làng nghề" của Phạm Quỳnh Anh, trường THPT chuyên Trần Phú, Hải Phòng.
6. "Nghiên cứu đặc tính hấp phụ protein hạt chùm ngây trên vật liệu nanosilica chế tạo từ vỏ trấu và ứng dụng trong xử lý kháng sinh" của Lê Phạm Hải Phong, Nguyễn Hải Long, trường THPT chuyên Đại học Khoa học tự nhiên, Đại học Khoa học tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội.
7. "Nghiên cứu ứng dụng vật liệu nano chitosan để hoàn thiện chế phẩm phủ màng compozit HPMC nano trong bảo quản quả chuối" của Đậu Anh Nhi, Nguyễn Mạnh Trường Kỳ, trường THPT Phan Đình Phúc, Hà Nội.
8. "Ứng dụng Deep Learning trong chuẩn đoán ung thư di căn hạch qua mẫu sinh thiết mô hạch bạch huyết" của Phan Thị Hiền Chi, Hồ Hoàng Trang, trường THPT chuyên Phan Bội Châu, Nghệ An.
9. "Chế tạo bộ thí nghiệm quang biểu diễn dành cho học sinh khiếm thị thực hành môn vật lý" của Vũ Thành Sang, Lê Nguyễn Anh Khôi, trường TH, THCS, THPT Tân Phú, TP HCM.
10. "Thiết kế thiết bị hỗ trợ cho học sinh mù, khiếm thị lớp 1 học chữ nổi" của Đỗ Hà Vy, Trần Kim Ngọc Ngân, trường THPT Nhơn Trạch, Đồng Nai.
11. "Máy thâm canh các loại cây họ đậu công nghệ cao" của Lê Minh Nam, Lương Xuân Bách, trường THPT Nguyễn Trãi, Hải Dương.