Các nhà tuyển dụng cho biết đây không phải câu hỏi giá trị dành cho những công ty trong lĩnh vực công nghệ, nhưng đối với bất kỳ công ty nào những câu hỏi này sẽ giúp ích trong việc đánh giá ứng viên.
1. Chia sẻ về kinh nghiệm hợp tác tốt nhất của bạn?
Ở bất cứ lĩnh vực nào, khả năng hợp tác là kỹ năng quan trọng, thậm chí là bắt buộc. Với câu hỏi này, các nhà tuyển dụng muốn tìm ra phong cách làm việc nhóm của ứng viên, thái độ đối với việc cộng tác, dù với công ty hay khách hàng và phương pháp làm việc của ứng viên trong tương lai. Điều này cũng quan trọng trong việc ra quyết định điều phối ứng viên vào nhóm nào và liệu họ có phù hợp với văn hóa công ty nói chung hay không.
2. Bạn làm gì để duy trì động lực?
Đây là câu hỏi được xếp vào nhóm phỏng vấn hành vi, thường xuyên được các nhà tuyển dụng sử dụng, đặc biệt là Facebook. Trong bất kỳ hoạt động nào, việc duy trì động lực là chìa khóa để người làm tránh bị kiệt sức, nhàm chán, gia tăng sự gắn bó với công việc và mang lại kết quả tốt nhất.
Nếu câu trả lời là hy vọng liên tục được thăng chức hoặc được góp phần đưa ra quyết định lớn cho công ty, ứng viên có thể không được đánh giá cao. Ngược lại, nếu câu trả lời gắn liền với văn hóa và giá trị của công ty, bao gồm chăm sóc môi trường, cung cấp dịch vụ tốt nhất cho khách hàng, ứng viên sẽ ghi điểm trong mắt nhà tuyển dụng.
3. Làm thế nào để bạn xây dựng mối quan hệ?
Trong cuộc khảo sát năm 2017 của Hiệp hội quản lý nguồn nhân lực Mỹ, 48% người được hỏi đánh giá việc xây dựng mối quan hệ với cấp trên hoặc đồng nghiệp đóng vai trò quyết định thành công trong công việc. Ứng viên có khả năng thúc đẩy hiệu quả kết nối với đồng nghiệp và cấp trên sẽ dễ dàng thích nghi với các môi trường làm việc, quy mô công việc khác nhau.
4. Bạn sẽ làm gì nếu người phỏng vấn không xuất hiện?
Thông qua câu trả lời, nhà tuyển dụng có thể đánh giá khả năng đối phó với những tình huống bất ngờ, khẩn cấp của ứng viên và cách xử lý vấn đề trong công việc. Liệu họ sẽ bỏ đi, cố gắng gọi điện cho người phỏng vấn hay liên lạc với những thành viên khác trong công ty để tìm hiểu vấn đề? Mỗi đáp án đều quyết định phong cách làm việc và khả năng giải quyết vấn đề của ứng viên.
5. Hãy nói về dự án bạn tự hào nhất?
Chia sẻ về dự án tâm đắc nhất là cơ hội giúp ứng viên tỏa sáng, tạo ấn tượng với nhà tuyển dụng. Họ có thể quảng bá về dự án của mình, về khả năng làm việc của bản thân và làm thế nào để đưa dự án vào thực tế. Câu hỏi này cũng giúp nhà tuyển dụng đánh giá phong cách làm việc của ứng viên có phù hợp với mục tiêu chung của công ty hay không.
6. Tại sao bạn muốn làm việc cho Facebook?
Với câu hỏi này, ứng viên có thể thể hiện nhiều đặc điểm của bản thân. Trước tiên, câu trả lời sẽ cho thấy chiều sâu trong việc nghiên cứu về công ty, mức độ quan tâm của ứng viên đối với công ty. Tiếp đó, nhà tuyển dụng có thể nhận ra tầm nhìn của ứng viên đối với sự phát triển cá nhân trong công ty. Trên thực tế, ứng viên phải trả lời câu hỏi "Tại sao làm việc cho Facebook lại là điều quan trọng đối với bạn?".
7. Lời khen lớn nhất bạn nhận được trong công việc của mình?
Đây là câu hỏi hay hơn và cũng khó hơn câu "Đâu là điểm mạnh ấn tượng nhất của bạn?". Ứng viên không chỉ tiết lộ thành công của bản thân trong công việc hiện tại mà còn nói về khả năng thu hút, tạo ấn tượng với mọi người xung quanh.
8. Thách thức lớn nhất của bạn trong vai trò mới?
Các nhà tuyển dụng Facebook cho rằng câu "Điểm yếu của bạn là gì?" là dở nhưng được sử dụng quá mức. Thay vì đặt câu hỏi như vậy để nhận về những câu trả lời không chính xác, họ thường hỏi ứng viên rằng "Thách thức lớn nhất của bạn trong vai trò mới?". Câu hỏi này đặt ứng viên vào thách thức cố định và phải suy nghĩ nghiêm túc về khả năng của bản thân và những tác động của yếu tố bên ngoài. Từ đó, cuộc nói chuyện sẽ thoải mái hơn.
9. Hãy kể tôi nghe về một lần bạn bất đồng với người quản lý cũ?
Câu hỏi này để làm sáng tỏ cách thức ứng viên tương tác với cấp trên và hướng giải quyết vấn đề khi gặp khó khăn. Một số người lựa chọn nhảy việc, một số người chấp nhận bất đồng và tìm ra phương hướng cải thiện tình trạng. Thái độ của ứng viên đối với cấp trên thể hiện khả năng làm việc của người này với lãnh đạo hoặc nhóm đồng nghiệp, xác định sự phù hợp của họ với văn hóa công ty.
10. Thách thức của Facebook trong những năm tới là gì?
Khi đặt câu hỏi này, nhà tuyển dụng muốn tìm kiếm ba điều. Thứ nhất, liệu ứng viên đã nghiên cứu đủ kỹ càng về công ty và vị trí ứng tuyển để đưa ra dự đoán hay chưa. Thứ hai, ghi nhận những ý kiến của ứng viên như một điểm nhìn khách quan để giải quyết vấn đề trong tương lai. Thứ ba, suy nghĩ, khả năng cập nhật xu hướng của ứng viên trước vấn đề trong công ty và trên thế giới.
11. Một đồng nghiệp cũ sẽ nói gì về bạn?
"Hãy giới thiệu về bản thân bạn" được đánh giá là câu hỏi phỏng vấn nhàm chán, không có giá trị. Vì vậy, nhà tuyển dụng Facebook sử dụng câu hỏi uyển chuyển hơn: "Một đồng nghiệp cũ sẽ nói gì về bạn?".
Câu hỏi này cho phép ứng viên miêu tả bản thân theo cách khách quan hơn, chẳng hạn đặt mình vào vị trí của người khác để đánh giá bản thân. Vì vậy, ứng viên sẽ không cảm thấy áp lực nếu bị nhìn nhận là đang khiêm tốn hoặc tự kiêu khi nhận xét về mình.
Tú Anh (Theo Glass Door)