"Nhanh lên", "Con có biết mấy giờ rồi không", "Điều gì làm con mất nhiều thời gian như vậy"..., là những câu nói quen thuộc của phụ huynh để nhắc nhở con về khái niệm thời gian. Thay vì nói những câu trên, phụ huynh có thể dạy con cách quản lý giờ giấc ngay từ khi chúng còn nhỏ.
1. Tạo cảm giác vui vẻ
Người lớn có cách liên kết và quản lý thời gian của bản thân, nhưng đôi khi các mốc chồng chéo lên nhau sẽ khiến bạn cảm thấy căng thẳng. Trẻ cũng sẽ cảm thấy như vậy khi bắt đầu học cách quản lý. Vì vậy, bạn hãy giúp việc này trở nên vui vẻ.
Bạn có thể chuẩn bị cho bé một cuốn sổ hoặc cuốn lịch, hướng dẫn bé dùng bút màu, nhãn dán để trang trí, đánh dấu những ngày đặc biệt. Hoặc tạo ra các trò chơi thi xem ai sử dụng thời gian được giao để hoàn thành nhiều việc nhà nhất mà vẫn đảm bảo sạch sẽ.
2. Bắt đầu trước khi trẻ thành thiếu niên
Tất nhiên, phụ huynh có thể dạy kỹ năng quản lý giờ giấc cho thanh thiếu niên. Nhưng trẻ nhỏ dễ hướng dẫn và tiếp thu nhanh hơn. Trẻ mẫu giáo có thể học quản lý thông qua yêu cầu hoàn thành các nhiệm vụ nhỏ trong thời gian ngắn như mặc quần áo, dọn dẹp đồ chơi. Trẻ tiểu học có thể bắt đầu bằng cách đặt giờ làm xong bài tập về nhà hoặc công việc nhà.
3. Hướng dẫn con cách đo thời gian
Ngay cả những đứa trẻ biết xem giờ cũng chưa chắc biết cách đo thời gian. Hãy giúp con bạn bằng cách đặt hẹn giờ trong khi chúng phải hoàn thành nhiệm vụ. Giữ đồng hồ ở gần, đặt đếm ngược để trẻ cảm nhận sự thay đổi của thời gian.
Hướng dẫn con cách đo không có nghĩa là để con sống theo đồng hồ. Mục tiêu của phương pháp chỉ đơn giản là giúp trẻ hiểu một giờ, 15 phút hoặc thậm chí 5 phút là thế nào. Lần tới khi bạn nói "Chúng ta sẽ rời đi sau năm phút nữa", trẻ sẽ biết rằng chúng không còn thời gian để chơi đồ chơi, xem TV hay dọn phòng.
4. Tạo lịch gia đình cùng nhau
Lịch gia đình sẽ giúp các thành viên nắm bắt được lịch chung của cả nhà và lịch riêng của mỗi người, giúp trẻ hiểu cách thành viên khác quản lý giờ giấc để tham gia vào sinh hoạt chung của gia đình đúng tiến độ. Từ đó trẻ sẽ rút ra kinh nghiệm kiểm soát thời gian cho riêng mình.
5. Tạo lịch trình riêng cho mỗi thành viên trong gia đình
Ngoài việc tạo lịch gia đình, mỗi đứa trẻ cũng nên có lịch riêng. Bằng cách đó, trẻ có thể quản lý thời gian chi tiết hơn so với lịch gia đình. Bạn hãy hướng dẫn con chia nhỏ lịch theo các nhiệm vụ trong ngày hoặc tuần, khuyến khích bé sử dụng lịch cá nhân để thêm các nhiệm vụ mới và đánh dấu nhiệm vụ hoàn thành.
6. Không quản lý thời gian rập khuôn
Bạn và con đã lên lịch trình cụ thể cho từng ngày nhưng sẽ có những công việc cần bỏ nhiều thời gian hơn dự kiến. Nếu như vậy, hãy để trẻ tiếp tục công việc của mình, thực hiện các nhiệm vụ khác sau khi hoàn thành công việc dang dở dù giờ sai lệch so với kế hoạch. Trẻ chỉ nên bám sát lịch trình trong những ngày đầu hoặc tuần đầu học cách quản lý thời gian.
7. Đừng ép buộc trẻ
Một trong những sai lầm phổ biến của phụ huynh khi hướng dẫn trẻ quản lý thời gian là đảm bảo trẻ tham gia vào mọi hoạt động được lên lịch. Phụ huynh chỉ nên quan sát và nhắc nhở trẻ tuân theo lịch trình mà không ép buộc chúng nhất định phải thực hiện các hoạt động đã lên lịch.
8. Lên lịch thời gian rảnh
Tạo lịch trình và gắn bó với nó là quan trọng nhưng phụ huynh cũng nên dành cho trẻ những khoảng rảnh. Những khoảnh khắc không làm gì là cơ hội tuyệt vời để học cách quản lý thời gian. Nó giúp trẻ hiểu rằng việc đó không chỉ để hoàn thành công việc đúng thời hạn mà quan trọng hơn chúng có nhiều giờ để chơi.
9. Sử dụng các công cụ quản lý thời gian thân thiện với trẻ
Phụ huynh nên sử dụng những công cụ quản lý thời gian đơn giản, bắt mắt và dễ dàng với trẻ. Bạn có thể sáng tạo các công cụ của riêng bạn, sử dụng hình ảnh hay màu sắc mà con bạn yêu thích để thu hút trẻ.
10. Thưởng cho trẻ
Bạn hãy thưởng cho trẻ khi chúng quản lý tốt thời gian. Đây là động lực để chúng tiếp tục duy trì công việc này. Những món quà có thể trao theo tuần hoặc tháng, đảm bảo có sự bàn bạc của cả gia đình.
11. Hướng dẫn trẻ thiết lập những ưu tiên hàng ngày
Hầu hết trẻ em không nhìn xa được đâu là công việc nên ưu tiên để giúp ích cho tương lai. Chúng chỉ dành thời gian ưu tiên cho những công việc nằm trên thang hàng ngày, hàng tuần hoặc hàng giờ.
Phụ huynh nên dạy trẻ quản lý theo nguyên tắc: đầu tiên, tiếp theo và cuối cùng. Các bé nhỏ tuổi có thể không biết công việc ưu tiên là gì nhưng phụ huynh có thể từ từ giảng giải, làm mẫu, bắt đầu nhỏ với các ưu tiên hàng ngày trước khi chuyển sang các ưu tiên hàng tuần và hàng tháng.
Thực hiện ưu tiên hàng ngày sẽ giúp trẻ hoàn thành nhiệm vụ quan trọng hàng ngày, hàng tuần trong khi cũng thiết lập lộ trình để đạt mục tiêu dài hạn.
Tú Anh (theo Verywell Family)