Viện Bỏng quốc gia cho biết, thượng úy Đinh Văn Dương (31 tuổi), người duy nhất sống sót trong vụ tai nạn máy bay trực thăng rơi hôm 7/7 đã tỉnh lại. Sức khỏe của anh đang trong giai đoạn phục hồi, bỏ máy thở, có thể nói chuyện, ăn uống và vận động chậm. Bốn tháng điều trị tại Viện Bỏng quốc gia, anh trải qua 17 lần phẫu thuật, tháo bỏ 2 khớp gối, 10 đầu ngón tay và phần da bị bỏng nặng tạm thời được ghép từ da đồng loại và màng sinh học.
Bác sĩ Lê Quang Thảo, người trực tiếp điều trị cho anh Dương còn nhớ, hôm 7/7 bệnh viện nhận được tin báo có máy bay rơi, những người gặp nạn đang trên xe cấp cứu đưa đến viện. Các bác sĩ giỏi nhất của Viện Bỏng quốc gia cũng như các chuyên gia đầu ngành về bỏng nhanh chóng có mặt. Khoa cấp cứu Viện Bỏng đã có một đêm không ngủ.
Nhập viện trong tình trạng bỏng hô hấp kết hợp đa chấn thương, độ bỏng sâu gần 60%, anh Dương được nhận định nhẹ nhất trong số 5 chiến sĩ được cấp cứu sau tai nạn. Để cứu các anh, các bác sĩ đầu ngành của 7 bệnh viện lớn ở Hà Nội đã cử kíp trực đến cùng bác sĩ Viện Bỏng quốc gia, túc trực điều trị suốt hai tháng.
Bác sĩ Thảo điều trị chính cho hai người. Nhưng tối hôm đó, một chiến sĩ bị bỏng quá nặng nên qua đời, chỉ còn lại anh Dương hôn mê sâu, tình trạng nguy kịch kéo dài. Hai ngày đầu tiên, dù điều trị theo đúng phác đồ nhưng huyết áp anh vẫn tụt, tim ngừng đập 2 lần. Trong thời kỳ nhiễm khuẩn nặng, các bác sĩ phải tháo khớp gối và 10 đầu ngón tay hoại tử. Bước sang ngày thứ 77 của đợt điều trị, anh Dương bị suy đa tạng: suy hô hấp, suy tuần hoàn, suy gan, suy thận, suy cơ quan tạo máu, tiên lượng tử vong cao.
Một cuộc hội chẩn kéo dài diễn ra ngay sau đó. Với phương châm "còn nước còn tát", phải cứu cho được bệnh nhân này, các bác sĩ tiếp tục cho anh dùng thuốc trợ tim, vận mạch, duy trì huyết áp, lọc máu liên tục kết hợp với các loại kháng sinh tốt nhất. Khoảng 15 ngày sau, các cơ quan mới bắt đầu hồi phục nhưng anh vẫn phải dùng máy thở cùng thuốc an thần.
Bị bỏng quá nặng, những đồng đội của anh lần lượt ra đi. Đến ngày chiến sĩ Nguyễn Hoàng Anh qua đời (2/9), anh Dương vẫn ở trong tình trạng hôn mê sâu, trở lại chế độ chăm sóc đặc biệt. Đối mặt với sinh tử hàng ngày tưởng đã quá quen thuộc, những người lính mặc áo blouse trắng vẫn không ngăn được nước mắt rơi mỗi lần nhận tin một chiến sĩ ra đi dù họ cố gắng làm mọi cách. "Trước khi là bệnh nhân, họ là đồng đội của chúng tôi", một bác sĩ điều trị chia sẻ.
Sau 105 ngày nằm trong phòng cấp cứu, đến ngày 31/10 anh Dương được rút ống thở và tỉnh lại. Bệnh nhân hồi phục trí nhớ nhanh chóng, tâm lý không hoảng loạn khiến các bác sĩ rất bất ngờ. Anh nhớ tất cả ký ức về thời khắc máy bay rơi và khóc mỗi lần nhớ lại. Các bác sĩ cũng tiến hành kết hợp điều trị tâm lý, để người nhà, đồng đội vào thăm, động viên hàng ngày để anh không suy sụp bởi những thương tật nặng mà vụ tai nạn để lại.
Bốn tháng thượng úy Dương cùng các chiến sĩ nằm viện là quãng thời gian căng thẳng của cả người thân và đồng đội anh. Chứng kiến 4 người anh em lần lượt ra đi, họ dần mất hết hy vọng cho đến khi anh Dương tỉnh lại thì tất cả như vỡ òa.
"Đó là tận cùng của nỗi đau, cũng là tột cùng của hạnh phúc, anh ấy là niềm hy vọng cuối cùng của 21 anh em. Từ khi anh tỉnh lại, chúng tôi không ai nhắc đến, cũng không ai dám cho anh biết đồng đội đi cùng trên chuyến bay đều hy sinh. Vết thương để lại trên người anh ấy quá đủ đau đớn rồi", thượng úy Ngô Văn Hiểu, Chính trị viên phó Đại đội đặc công, Tiểu đoàn đặc công18, Bộ Tư lệnh thủ đô chia sẻ.
Anh Hiểu là một trong những người có mặt tại hiện trường lúc chiếc máy bay rơi và vẫn nghèn nghẹn khi nhắc lại. Tận mắt chứng kiến cảnh đồng đội bị hất văng ra khỏi máy bay, sau phút thất thần hoảng loạn, anh cùng những người khác lao vào cứu nạn, vừa khóc vừa ôm đồng đội ra khỏi máy bay rồi đưa đi cấp cứu.
Anh tâm sự, đó là những ký ức đau buồn nhất mà một người lính không bao giờ muốn nhớ lại. Những ngày anh Dương nằm điều trị ở tầng 2, người nhà cùng 3-4 chiến sĩ được đơn vị cử đến ở tầng 7. Ngày nào họ cũng đảo vài lượt qua khu vực cấp cứu, hỏi han các bác sĩ tình hình của người nằm trong phòng.
Cùng công tác với nhau hơn 10 năm, anh Hiểu biết rõ gia đình thượng úy Dương rất khó khăn, bố mất sớm, mẹ già yếu. Vợ anh, chị Nguyễn Thị Hải trước đây là công nhân viên hợp đồng, nay được nhận chính thức vào Bệnh viện trung ương Quân đội 108. Trước ngày anh gặp nạn, chị Hải đang mang bầu đứa con thứ hai. Vợ chồng chị vẫn phải thuê phòng trọ để ở. Hai ngày sau tai nạn, chị Hải sinh con trai nặng 2,8 kg trong Bệnh viện 108. Do tâm lý bị ảnh hưởng nặng nên chị phải mổ sinh trước gần 10 ngày. Cô con gái đầu mới 4 tuổi ngày nào cũng theo bà và bác gái vào thăm cha nhưng chỉ được đứng ở ngoài. Ngày anh tỉnh lại, cô bé còn đứng hát cho cha nghe.
Mới sinh con gần 4 tháng nhưng thời gian này, chiều nào chị Hải cũng đi từ phòng trọ tận Vĩnh Hưng sang bệnh viện thăm chồng. Bốn tháng chờ đợi, bốn tháng âu lo, từng ngày trôi qua là niềm tin lại mất dần đi. Chị òa khóc khi nghe tiếng anh gọi "Vợ ơi" ngay sau khi tỉnh lại. Hôm đó cũng là lần đầu tiên anh nhìn thấy cậu con trai kháu khỉnh sau nhiều ngày nằm trên giường cấp cứu. Tất cả bác sĩ, người thân, đồng đội có mặt lúc ấy, không ai ngăn được nước mắt khi thấy "niềm hy vọng duy nhất của 21 người lính" trở về sau 105 ngày chiến đấu để giành lại sự sống.
Hoàng Phương