Theo số liệu của Ngân hàng Thế giới (WB), từ 2005 đến nay, hơn 43.000 hộ dân ở các tỉnh Bình Định, Quảng Ngãi, Quảng Nam, Thừa Thiên Huế, Nghệ An và Thanh Hóa đã tham gia Dự án Phát triển ngành lâm nghiệp, qua đó thoát nghèo.
Ông Phạm Quốc Chiến, Giám đốc Ban Điều phối dự án cho biết việc hỗ trợ được thực hiện thông qua đo đạc, cấp sổ đỏ cho nông dân; mở các lớp tập huấn về kỹ thuật trồng rừng, thu hoạch sản phẩm. Các hộ có thể dùng sổ đỏ để vay lãi suất thấp từ nguồn vốn quay vòng do Ngân hàng Chính sách xã hội Việt Nam quản lý. Cho đến nay, nông dân đã trồng hơn 76.500 héc ta, trong đó 850 héc ta đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế. Giá của rừng trồng có chứng chỉ cao hơn 30% so với rừng thường.
"Điểm đặc biệt của dự án là lần đầu tiên sử dụng phương pháp cho vay lại trong hoạt động trồng rừng tiểu điền, bền vững hơn so với phương pháp truyền thống là trợ cấp", bà Nguyễn Thị Thu Lan - chuyên gia Cao cấp về Môi trường của WB chia sẻ.
Tổng vốn đầu tư của dự án là ở mức 100 triệu USD từ Hiệp hội Phát triển Quốc tế (IDA) của WB, Quỹ tín thác Lâm nghiệp và Chính phủ Việt Nam. Mặc dù dự án kết thúc vào tháng 3/2015, quỹ quay vòng do Ngân hàng Chính sách xã hội quản lý sẽ tiếp tục vận hành thêm 20 năm nữa. Vì vậy, nhiều hộ gia đình vẫn có thể tiếp cận đến nguồn tín dụng này.
Thanh Bình