Theo AFP, nhiều tác giả hô vang khẩu hiệu "Meta là kẻ trộm sách" bên ngoài tòa nhà trụ sở thuộc khu vực King's Cross, hôm 3/4. Một số người giơ bảng chỉ trích ông chủ của tập đoàn - Mark Zuckerberg, yêu cầu anh không được động tới tác phẩm của họ và trả tiền bản quyền. Vài bảng hiệu có nội dung: "Nếu viết cả biểu ngữ, có khi cũng bị ăn cắp", "Lấy sách của tôi phải trả tiền cho tôi".
Cuộc biểu tình do Hội Tác giả Anh (SoA) tổ chức, bắt nguồn từ vụ Meta (công ty mẹ của Facebook và Instagram) bị ba cây bút Mỹ kiện do dùng LibGen - một trong những "thư viện đen" lớn nhất thế giới, lưu trữ hơn 7,5 triệu sách, 81 bài nghiên cứu trái phép - để làm nguồn đào tạo mô hình AI, Llama 3, hồi đầu năm. Sau đó, các nhà văn Anh phát hiện tác phẩm của họ xuất hiện trên LibGen thông qua bài báo của The Atlantic ngày 20/3, lo lắng sáng tác của họ bị khai thác bất hợp pháp.

Các tác giả Anh biểu tình bên ngoài văn phòng của Meta hôm 3/4. Ảnh: PA Wire
Hôm 27/3, nhiều tên tuổi nổi bật trong văn đàn như nhà văn Kazuo Ishiguro, Richard Osman, Val McDermid đại diện SoA gửi thư kiến nghị chính phủ buộc Meta chịu trách nhiệm cho các sai phạm thông qua trang web Change. Đến nay có hơn 14.000 chữ ký ủng hộ. Trò chuyện với Guardian, đại diện Meta cho biết tôn trọng quyền sở hữu trí tuệ của bên thứ ba, cho rằng cách họ dùng dữ liệu để huấn luyện AI phù hợp với luật hiện hành.
Trong cuộc phỏng vấn mới nhất với AFP, nhà văn AJ West - 39 tuổi, người tham gia biểu tình - nói "bị lạm dụng" khi thấy sách của mình trên LibGen. "Thật đáng ghét khi việc tôi tốn nhiều năm, nhiều tâm huyết để viết nên một tác phẩm lại giúp các tỷ phú công nghệ kiếm thêm tiền. Họ ăn cắp những quyển sách của tôi rồi đưa chúng vào một cỗ máy được làm ra để hủy hoại công việc của tôi", anh cho biết.

Những gương mặt nổi bật trong chiến dịch kêu gọi chính phủ kiểm soát Meta. Từ trái qua: Nhà văn trinh thám Val McDermid, chủ nhân Nobel Văn học 2017 - Kazuo Ishiguro, tác giả Richard Osman. Ảnh: Jay Brooks, PR
AJ West cũng là người cố gắng đưa thư kiến nghị từ SoA đến quầy lễ tân của Meta nhưng bất thành do cửa trụ sở bị khóa. "Thật đáng nói khi một công ty dám ăn cắp hàng tỷ chữ nhưng giờ sợ 500 từ trên một tờ giấy. Đúng là một sự xúc phạm chồng chất", anh nói thêm. Tác giả kêu gọi chính phủ can thiệp, nhận định việc Bộ trưởng Bộ Kỹ thuật số, Văn hóa, Truyền thông và Thể thao - Lisa Nandy im lặng về các vấn đề được nêu là "đáng trách".
Biên kịch truyền hình Gail Renard, 69 tuổi, nói với AFP: "Nền công nghiệp sáng tác là lĩnh vực lớn thứ hai tại Anh. Chúng tôi mang lại 125 tỷ bảng (hơn 4.200 tỷ đồng) mỗi năm. Nếu các người muốn trừ khử ngành này, cứ nhắm vào bản quyền của chúng tôi".
Theo hãng tin, cuộc biểu tình này là ví dụ cho thấy sự tức giận của giới tác giả với những công ty đào tạo mô hình AI dựa trên tác phẩm có bản quyền. Trong khi đó, phía các tập đoàn công nghệ lập luận họ thực hiện đúng luật "fair use" (thuật ngữ trong luật sở hữu trí tuệ Mỹ, cho phép mọi người dùng tác phẩm không cần sự đồng ý của chủ sở hữu bản quyền). Tuy nhiên, quan điểm này hiện bị một số tòa án tại Mỹ và các quốc gia phản bác.

Một tác giả cầm biển: "Sáng tạo không dung chứa trí tuệ nhân tạo. Hãy công bằng với chúng tôi". Ảnh: Zuma Press
Những năm gần đây, vấn đề AI can thiệp vào ngành sáng tác ngày càng phổ biến, gợi lên nhiều tranh luận về khả năng sáng tạo của máy móc. Nhiều tác giả phản đối vì cho rằng máy móc chỉ biết sao chép các nguồn tranh, văn thơ sẵn có để tạo tác phẩm mới. Giới nghệ sĩ cũng liên tục ký các văn bản kêu gọi chính phủ cấm AI gia nhập lĩnh vực nghệ thuật để bảo vệ quyền lợi người làm sáng tạo.
Mặt khác, một số bộ phận lạc quan tương lai của nghề viết dưới sự phát triển của trí tuệ nhân tạo. Hôm 12/3, Sam Altman - CEO của OpenAI, công ty đứng sau ChatGPT - khiến văn giới xôn xao khi đăng truyện ngắn A machine-shaped hand do AI viết. Trên X, anh nhận xét tác phẩm "truyền tải đúng cảm giác của tiểu thuyết siêu hư cấu". Tác giả Anh Jeanette Winterson cho rằng truyện ngắn "đẹp và cảm động".
Ở Nhật hôm 25/3, tạp chí Kohkoku xuất bản tác phẩm do ChatGPT viết 95%, lấy bối cảnh thế giới sau khi nhân loại tuyệt chủng. Nhà văn Rie Kudan, người hướng dẫn AI và chịu trách nhiệm 5% còn lại, cho biết trải nghiệm sáng tác cùng trí tuệ nhân tạo giúp cô suy ngẫm lại ý nghĩa việc viết truyện hư cấu.
Phương Thảo (theo AFP, Guardian)